Bảo hiểm y tế sẽ ưu tiên nhiều đối tượng
Bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) ra lần này, nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT được nâng lên đáng kể, nhất là đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng... Đặc biệt, BHYT sẽ thanh toán cho bệnh nhân tai nạn giao thông cho dù bệnh nhân vi phạm luật giao thông.
Ngoài ra, đối với người người tham gia bảo hiểm từ 5 năm liên tục và có số tiền chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thay vì 80% như hiện nay.
Với quy định mới này sẽ giúp người bệnh đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng chịu chi phí lớn như ung thư, can thiệp tim mạch, ghép tạng hay chạy thận nhân tạo... giảm bớt nhiều khoản chi y tế. Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi, cũng sẽ mở rộng phạm vi thanh toán cho các trường hợp như: Tự tử, tự gây thương tích, bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
|
Tới đây bảo hiểm y tế sẽ ưu tiên cho nhiều đối tương. Ảnh minh hoạ |
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cũng cho biết, song song với việc nâng mức hỗ trợ chi phí về bảo hiểm y tế cho những đối tượng nêu trên. Dự thảo cũng quy định việc giảm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân trái tuyến.
Đối với trẻ em, Dự thảo cũng có một số thay đổi; theo đó, trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% khi điều trị cận thị, lác và tật khúc xạ như các loại bệnh khác. Nếu dự thảo này được thực thi, hàng ngàn trẻ có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế, chữa trị bệnh, có cơ hội giữ được “đôi mắt sáng”.
Sẽ bắt buộc người dân tham gia BHYT
Cũng tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có nhiều ý kiến thống nhất quan điểm nên bắt buộc người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Theo bà Hương, việc bắt buộc toàn dân tham gia BHYT là một điểm mới của Dự thảo sửa đổi. “Để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT”, bà Hương nói.
Đồng thời, việc bắt buộc toàn dân tham gia BHYT là nhằm đề cao tính pháp lý nhằm gắn trách nhiệm của mọi người dân. “Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy, không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia”, bà Hương nói.
Đồng tình với việc bắt buộc toàn dân tham gia BHYT, ông Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: Quy định bắt buộc người dân tham gia là phù hợp với chủ trương chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Lê Phương