Bằng ứng dụng nguyên lý mới "chìa khóa - ổ khóa", các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã vặn ngược lại thân đốt sống C6 cứu bệnh nhân Nguyễn Văn H. (48 tuổi ở Hà Nội) thoát khỏi liệt do chấn thương sọ não kết hợp chấn thương cột sống cổ trật cài thân đốt sống.
Nhập viện trong tình trạng liệt nửa người...
Bệnh nhân H. bị tai nạn ngã cắm đầu xuống khi đang lái xe máy tốc độ cao. Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não, máu tụ ngoài màng cứng trái phải và đã được phẫu thuật máu tụ, giải tỏa não tại một bệnh viện khác. 3 ngày sau bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng liệt nửa người bên phải (cơ lực 3/5) và liệt nửa người bên trái (cơ lực 1/5), liệt cơ thắt không hoàn toàn.
Bệnh nhân không có bất cứ rối loạn cảm giác nào từ khoang tủy C6 - 7 trở xuống. Người bệnh có rối loạn chức năng bàng quang kèm theo và phải đặt sonde tiểu. Phim chụp cho thấy đứt hoàn toàn hệ thống dây chằng của 3 cột trụ và trật hoàn toàn thân đốt sống C6 ra trước đốt C7, tín hiệu dịch não tủy vẫn xuất hiện ở phần lưng của ống sống minh chứng cho tổn thương gẫy phức tạp nhiều thành phần phía sau.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật giải ép lối sau và nắn trật lối trước, giải ép, hàn thân liên thân đốt, cố định C6 - C7. Sau 8 tháng theo dõi, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn cơ lực tay và chân 2 bên, chức năng cơ thắt cũng phục hồi hoàn toàn và có thể tự đi lại được.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trật cài thân đốt sống cổ là một trong những tổn thương trật cột sống hoặc trượt đốt sống nặng nhất, khi đó toàn bộ thân đốt sống phía trên trật nằm hoàn toàn ở bờ trước thân đốt sống phía dưới, thường gây liệt tủy hoàn toàn. Khi bệnh nhân không bị tổn thương thần kinh hoặc liệt tủy không hoàn toàn, việc phẫu thuật trở lên rất phức tạp.
Nguyên nhân gây trật cài có thể do dị tật bẩm sinh, chấn thương sản khoa, chấn thương do tai nạn, nhiễm trùng, lao cột sống hoặc u nguyên phát. Trong chấn thương cột sống cổ, bệnh nhân thường bị tổn thương tủy nặng nề, dẫn đến liệt vận động - mất cảm giác hoàn toàn và liệt cơ hô hấp. Mục đích chính của quá trình điều trị là phẫu thuật nắn trật, giải ép và làm vững cột sống. Bên cạnh đó, có một số trường hợp bệnh nhân bị liệt tủy không hoàn toàn hoặc thậm chí không có bất cứ tổn thương thần kinh nào. Lúc này, vấn đề phẫu thuật đặt ra cách thức vô cùng lớn để bảo vệ các triệu chứng lâm sàng.
Hơn nữa, do sự hạn chế về số lượng đốt sống cổ, yếu tố nhạy cảm và quan trọng của tủy sống nơi đây cũng khiến cho phẫu thuật nắn trật cột sống khó khăn. Phẫu thuật gồm nhiều cách: Có thể tiền mê, kéo nắm kín trước mổ, sau đó phẫu thuật đường trước cố định cột sống hoặc nhiều tầng, cuối cùng phẫu thuật đường sau giải ép - cố định cột sống. Cũng có thể phẫu thuật lối sau giải ép rồi mổ đường trước lấy đĩa đệm hoặc cắt thân đốt sống sau đó quay lại đường sau cố định. Việc tiền mê nắn chỉnh kín trước mổ có nguy cơ tổn thương thần kinh, động mạch đốt sống trong quá trình nắn chính.
|
Phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Việt Đức. |
Nguyên lý "chìa khóa - ổ khóa"
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức đã phát hiện và ứng dụng nguyên lý "chìa khóa - ổ khóa" như là một yếu tố then chốt để hiểu hơn về cơ chế tốn thương và đưa ra chiến lược điều trị hợp lý cho bệnh nhân.
Ví như, để khóa một ổ khóa, cần đút thìa vào ổ khóa và vặn theo chiều kim đồng hồ điều này cũng tương tự với trật cài thân đốt sống cố, chính cơ chế lực nén và quá ưỡn cột sống đã khởi động chìa khóa, làm thân đốt sống C6 dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ và khóa ra trước C7...
Phẫu thuật được tiến hành trên 2 đường mổ chính là giải ép bằng lối sau, sau đó bệnh nhân được lật ở tư thế nằm ngửa để bóc tách dây chằng, đĩa đệm C6 - C7 đứt hoàn toàn và bong một phần ra phía trước, lấy một phần đĩa đệm để tạo khoảng trống giữa hai thân đốt sống, đặt dụng cụ giãn nẹp... và bắt đầu nắn trật trực tiếp bằng lối trước theo nguyên lý "chìa khóa - ổ khóa" tức là vặn ngược lại thân đốt sống C6 hay nói cách khác là đảo ngược lại quá trình khóa cột sống. Sau nắn trật thành công, một mảnh xương từ cánh chậu bên trái của bệnh nhân được lấy lên ghép thay cho đĩa đệm, rồi nẹp cổ vào thân đốt sống C6 - C7, dẫn lưu và đóng vết mổ.
Phim sau mổ chứng minh kết quả nắn chỉnh rất tốt. Triệu chứng thần kinh cải thiện ít ngày sau phẫu thuật. Bệnh nhân tập phục hồi chức năng 6 ngày sau mổ và 6 tuần sau người bệnh khôi phục hoàn toàn chức năng vận động hai tay, hai chân, đi lại bình thường, chức năng bàng quang cũng phục hồi tốt. 8 tháng sau mổ kết quả liền xương tốt.
Thúy Nga