|
Ảnh minh họa. |
Theo nghiên cứu tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện 103, trong 10 năm qua thì số bệnh nhân nam mắc TVĐĐCSTL chiếm tỷ lệ cao hơn nữ, tương đương 2,03/1. Trong đó 81,3% số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm. Bệnh nhân thường kể lại và xác định rõ tác nhân trực tiếp gây bệnh khi thấy đau xuất hiện đột ngột kết hợp với các chấn thương do tai nạn hoặc bê mang vật nặng.
Việc xác định yếu tố gây bệnh có tác dụng cao trong dự phòng tái phát bệnh. TVĐĐCSTL nổi bật là triệu chứng đau, nhất là trong giai đoạn 2 năm của bệnh, đặc điểm đau thắt lưng lan dọc dây thần kinh hông chiếm tới 94,45%. Vị trí thoát vị đĩa đệm L4 - L5 và L5 - S1 là chủ yếu, 76,7% bệnh nhân thoát vị một đĩa đệm.
Bệnh này có nhiều kỹ thuật và phương pháp điều trị, từ phong bế, tiêm ngoài màng cứng cho đến chọc hút đĩa đệm, giảm áp đĩa đệm qua da bằng laser đều cho kết quả tốt, khiến bệnh nhân giảm bệnh từ 50 - 90%. Mục đích điều trị bảo tồn trong TVĐĐCSTL là giảm đau, hết dị cảm, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện thời gian cho phần đĩa đệm bị thoát vị co lại, giảm chèn ép rễ thần kinh.
Hiện nay, vấn đề điều trị bảo tồn vừa là phương pháp điều trị làm biến đổi bệnh vừa là điều trị nguyên nhân. Những quá trình bệnh lý ảnh hưởng tới TVĐĐCSTL không chỉ còn là chèn ép, viêm, tổn thương cấu trúc do các gốc tự do mà vai trò của các quá trình miễn dịch.
GS.TS Nguyễn Văn Chương (Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện 103)