Thông tin trên được được PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.
Theo ông Phu, trong báo cáo từ các công ty nhập khẩu vắc xin trong năm 2015 sẽ khan hiếm nhiều loại vắc xin quan trọng như: vắc xin 6 trong 1, vắc xin 5 trong 1. Bên cạnh đó vắc xin dịch vụ khác như thủy đậu cũng đang trước nguy cơ khan hiếm do khó khăn về nguồn cung.
|
Năm 2015 nhiều vắc xin dịch vụ khan hiếm. |
Số lượng vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) năm 2015 chỉ có khoảng 50.000 liều. Vắc xin thủy đậu cũng đang khó khăn. Vắc xin chống dại Verorab bị thiếu nên hiện đã phải thay bằng vắc xin của Ấn Độ. Với vắc xin 5 trong 1, các công ty báo cáo đến cuối năm mới có thể đáp ứng được còn hiện vẫn đang thiếu".
Ông Phu phân tích sở dĩ vắc xin dịch vụ khan hiếm là do các công ty sản xuất ngừng sản xuất các loại vắc xin nói trên hoặc thay đổi dây chuyền, công nghệ. Bên cạnh đó nhu cầu vắc xin tăng cao cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt vắc xin.
Trước tình hình trên Ông Phu yêu cầu các sở y tế các tỉnh thành phải rà soát toàn diện năng lực của các điểm tiêm chủng dịch vụ, bao gồm khả năng cung ứng vắc xin, bảo đảm tiêm đầy đủ cho trẻ. Các điểm tiêm này phải lên danh sách, quản lý, theo dõi các mũi tiêm của trẻ. Vừa qua, nhiều trẻ mắc bệnh ho gà, sởi do tiêm dịch vụ không đầy đủ số mũi tiêm theo yêu cầu; do trì hoãn tiêm để chờ đợi vắc xin dịch vụ trong thời gian khan hiếm.
Ông cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên trì hoãn cho con tiêm chủng, người dân nên đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng vắc xin thường xuyên, miễn phí tại trạm y tế xã, phường để trẻ được tiêm chủng đúng lịch.
Thu Nguyên