Mồng tơi đẩy lùi khó ngủ

Google News

(Kiến Thức) - Mồng tơi còn gọi là lạc quỳ, tác dụng nhuận tràng, sinh tân, mát huyết, thường nấu canh cua, ăn với cà pháo muối giòn rất ngon, mát, bổ.

 Ảnh minh họa.
Theo y học cổ truyền, mồng tơi có vị chua, tính hàn. Tác dụng nhuận tràng, sinh tân, mát huyết. Thường chữa trĩ, táo bón, nội nhiệt khô khát. Theo sách Tuệ Tĩnh, mồng tơi có tác dụng hoạt thai làm dễ sinh. Tính thành phần dinh dưỡng trong 100g mồng tơi có nước 93,2g; protein 2g; gluxit 1,4g; tro 0,9g, caroten 3,6mg; vitamin C 7,2mg. 
Tài liệu gần đây cho rằng, chất nhầy pectin trong rau mồng tơi có tác dụng nhuận tràng, thải trừ chất béo, rất thích hợp với người cần giảm cân, béo phì, tiểu đường, táo nhiệt, người thường xuyên phải làm việc ngoài nắng nóng. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc có mồng tơi vừa dễ làm vừa công dụng.
* Chữa táo bón, da khô sần: Mồng tơi phối hợp mè đen sắc nước uống, hoặc nấu canh ăn  thường xuyên. Hạt phơi sấy khô tán nhỏ xoa rôm sảy khô sần da rất tốt.
* Chữa phụ nữ sau sinh nứt núm vú: Lá mồng tơi sắc nước uống rửa đắp ngoài ngày vài lần.
* Chữa tim nóng, người bứt rứt khó ngủ: Dùng mồng tơi lá tím nấu canh với con chai đồng.
* Chữa đau mắt đỏ: Mồng tơi, rau má, mã đề mỗi vị 20 - 30g sắc uống. Nước ép quả mồng tơi chín nhỏ mắt trị đau mắt khô mắt.
* Giúp giảm cân: Hàm lượng mồng tơi có nhiều nước nên rất tốt cho người muốn giảm cân, tránh béo phì. 
* Giúp tăng sức đề kháng, thanh nhiệt: Lượng vitamin C có trong mồng tơi khá nhiều nên có tác dụng thanh nhiệt, tăng sức đề kháng cho người ốm, đặc biệt người sốt, mệt mỏi do quá sức.
Lưu ý, mồng tơi có tính hàn nên không sử dụng cho người bụng lạnh đang bị đi cầu lỏng.
Lương y Minh Phúc(nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)