Nhiều nam giới mắc phổi tắc nghẽn mạn tính
Ông Phạm Thọ B. (80 tuổi ở Hưng Yên) đang nằm bệt ở phòng bệnh số 4 cho biết: "Ông mắc bệnh này đã 2 năm nay. Từ khi mắc bệnh, ông sút 6kg (từ 47kg còn 41kg), chân teo. Cách đó 4 hôm, ông phải vào viện trong tình trạng không thể đi được, phải có người cõng. Ở giường bên, bệnh nhân Nguyễn Viết N. (66 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội) nằm thở dốc.
Hỏi vì sao phải vào viện, ông trả lời "vì thở cứ đứt hơi". Ông N. cho biết, ông có làm việc trong môi trường có khói cao su, sau đó ông đã bỏ việc. Nhưng bệnh thì đã mắc và điều trị cho đến nay vẫn chưa khỏi. Hỏi ông có hút thuốc lá không? Ông thừa nhận: "Mình nghiện nặng nhưng đã bỏ được 4 năm nay rồi".
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, thực ra phụ nữ cũng mắc bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ ít hơn. Các nghiên cứu cho thấy, khói thuốc, ô nhiễm môi trường, khói bếp và... các loại khói nói chung là nguyên nhân chính dẫn đến mắc phổi tắc nghẽn mạn tính.
|
Bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính đang điều trị ở Bệnh viện Phổi T.Ư. |
Cần chăm sóc lâu dài
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho hay, để điều trị được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhân phải được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đợt cấp và điều trị khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Khi bị phổi tắc nghẽn mạn tính, có 2 phương pháp điều trị là dùng thuốc và không dùng thuốc.
Việc dùng thuốc (tiêm, uống, truyền...) sẽ theo chỉ định của bác sĩ, tùy vào từng bệnh nhân, giai đoạn bệnh. Còn điều trị không dùng thuốc tức là áp dụng các biện pháp tập luyện chăm sóc sức khoẻ gồm: Hít thở không khí trong lành, tập thể dục, ăn uống bồi bổ cơ thể, giữ môi trường sống trong sạch, tránh xa (hoặc hạn chế) khói bụi, kể cả khói thuốc lá lẫn khói bếp. Đặc biệt, bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính cần bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào (nếu đang hút thuốc).
Khi mắc phổi tắc nghẽn mạn tính, sẽ không thể chữa khỏi tiệt, nhưng có thể kiểm soát được. Tức là, sau khi điều trị qua giai đoạn cấp, bệnh nhân cần được chăm sóc lâu dài, tự mình kiểm soát bệnh bằng cách đi khám định kỳ. Nói một cách cụ thể hơn, khi bệnh nhân chỉ phải chủ động đi khám định kỳ, không phải đến viện kiểu cấp cứu... thì tức là đã kiểm soát bệnh tốt.
Bệnh này có thể phòng được bằng cách tránh xa khói thuốc, khói bếp, khói bụi. Nếu phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, cần có bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn. Việc phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh không ở vào tình thế nguy hiểm (thực tế, có bệnh nhân đột xuất gặp cơn khó thở và tử vong). Khi một người cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, rất có thể người đó đã mắc phổi tắc nghẽn mạn tính. Lúc này điều cần làm là đi đo chức năng hô hấp để xác định có mắc bệnh không, nếu mắc thì ở mức độ nào để điều trị.
Hoài Hương