|
30% số thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh minh họa: lefaso.net
|
Trong buổi hội thảo mới đây tại Dakar về chủ đề Sức khỏe và thuốc điều trị chất lượng cao, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về "ngành công nghiệp giết người" của các loại thuốc giả ở châu Phi. Theo các chuyên gia, tỉ lệ sử dụng thuốc giả trên thế giới là 15%, riêng tại châu Phi, con số này lên tới 30%.
Bà Sybil Yeboah, một lãnh đạo của Tổ chức Y tế Tây Phi chia sẻ: "Thuốc giả được bán tràn lan như củ hành, mớ rau ngoài chợ". Thuốc giả sẽ phải chịu trách nhiệm cho hàng chục ngàn trường hợp tử vong tại châu Phi.
Mới đây, tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh (Mỹ) công bố trong số báo đặc biệt, chỉ trong năm 2013 có đến 122.350 trẻ tử vong tại châu Phi do có liên quan đến sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Thuốc giả đang phát triển mạnh ở châu Phi là do thiếu hụt nguồn nhân lực và các phòng thí nghiệm. Giá dược phẩm rất đắt tiền, các quy định và chế tài không hoàn chỉnh và thiếu hiệu lực.
Một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, 30% các loại thuốc giả đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Eduardo Pisani, tổng Giám đốc Liên đoàn Quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA) cho rằng, các quốc gia cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ sức khỏe. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc nên có trách nhiệm ngăn chặn nguồn chảy của thuốc giả này.
Các biện pháp răn đe cho đến nay hầu như không có tác dụng so với sức hút lợi nhuận của ngành kinh doanh thuốc giả. Ở Senegal, 42 người đã bị bắt hồi tháng 5 năm 2014 vì hành vi buôn bán thuốc giả, mỗi người chỉ bị kết án 15 ngày tù giam.
Linh Thu