Hà Nội: Phát hiện chất có thể gây ung thư trong giò, chả

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 2 mẫu giò của cơ sơ thực phẩm Minh Hương có chứa hàm lượng Natri benzoat vượt mức cho phép.

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Nội, gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong đợt 1 kiểm tra các mẫu thực phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Chi cục đã lấy 41 mẫu thực phẩm , bao gồm ô mai, giò chả, rượu trên 8 quân, huyện: Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Từ Liêm.
Qua kiểm nghiệm, kết quả cho thấy:
- 12/12 mẫu ô mai đều có hàm lượng chất tạo ngọt và chất bảo quản nằm trong mức giới hạn cho phép.
- 24/24 mẫu rượu có hàm lượng Methanol nằm trong mức giới hạn cho phép;
- 2/5 mẫu giò, chả lấy mẫu tại tại Cơ sở thực phẩm Minh Hương (địa chỉ: 39 Ngô Thì Nhậm, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hàm lượng Natri benzoat trên 1.000mg/kg thực phẩm, vượt quá mức giới hạn cho phép (theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm).
Cơ quan chức năng phát hiện giò, chả không đảm bảo chất lượng ở Hà Nội. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Theo như kết quả kiểm nghiệm, các mẫu ô mai và rượu đều đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Đối với 2 mẫu giờ,chả tại Cơ sở thực phẩm Minh Hương là không đảm bảo an toàn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã nhanh chóng xử lí theo đúng quy định hiện hành.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tại cuộc họp về vấn đề ATTP được tổ chức ở Hà Nội mới đây, Cục ATTP khuyến cáo: người tiêu dùng cần phải đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của mình trong kiểm soát ATTP, bằng việc không sử dụng hàng hóa không nguồn gốc và tẩy chay những nơi bán hàng không đảm bảo chất lượng. Trên thị trường hiện có bán nhiều sản phẩm không bảo quản đúng quy trình của nhà sản xuất,khiến nhiều người tiêu dùng không để ý hoặc không biết là đã mua phải hàng hóa bị hỏng. Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, nhất là có kiến thức sử dụng thực phẩm thế nào có an toàn. Riêng người sản xuất phải đảm bảo tuyệt đối kiến thức pháp luật về ATTP.
TS. Trần Quang Trung cam kết sẽ công khai ngay kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về vấn đề ATTP trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời những cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Natri benzoat (E211) có công thức hoá học là NaC6H5CO2. Nó là muối natri của axit benzoic và tồn tại ở dạng này khi hoà tan trong nước. Nó có thể được sản xuất bằng phản ứng giữa natri hydroxit và axit benzoic.

Natri benzoat là một chất bảo quản thực phẩm được phép sử dụng. Nó là chất kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và nấm trong môi trường axit. Nó được dùng thịnh hành nhất trong các thực phẩm có tính axit như rau trộn dầu giấm, đồ uống có ga (axit cacbonic), mứt và nước trái cây (axit xitric), dưa chua (giấm ăn) và các gia vị.

Tuy nhiên, nếu sử dụng chất Natri benzoate vượt mức giới hạn cho phép (mức quy định là 1000mg/kg thực phẩm) sẽ gây hại đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây ung thư.

Theo giáo sư Piper thuộc trường Đại học Sheffield (Anh), natri benzoat có thể phá huỷ và khử hoạt tính của các DNA (Acid Deoxyribo Nucleic) sống trong ti thể tế bào. Khi các DNA bị phá huỷ, sẽ làm tăng nhanh các bệnh liên quan như: Parkinson và các hội chứng thoái hoá thần kinh, đặc biệt là quá trình lão hoá của cơ thể.

 

Lê Phương