Ebola: Tìm thấy 17 bệnh nhân bỏ trốn, nỗ lực tìm thuốc

Google News

(Kiến Thức) - 17 bệnh nhân nhiễm Ebola bỏ trốn đã được tìm thấy và được chuyển đến bệnh viện khác, AFP dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Liberia Lewis Brown nói.

"Chúng tôi chính thức xác nhận 17 bệnh nhân mất tích cuối tuần trước sau vụ bạo động đã được tìm thấy và chuyển đến trung tâm điều trị JFK Ebola", ông Lewis Brown nhấn mạnh.
Trước đó vào tối 16/8, các phần tử vũ trang tuyên bố "không có dịch Ebola" tại Liberia đã tấn công một trung tâm cách ly bệnh nhân Ebola ở Thủ đô Monrovia và kích động 17 bệnh nhân nhiễm vi rút chết người này bỏ trốn.
 Nhân viên y tế tiến hành chôn cất một bệnh nhân 60 tuổi tử vong vì Ebola.
Ông này cũng cho biết 8 nhân viên y tế, trong đó có hai bác sĩ, đã được sử dụng loại thuốc thử nghiệm ZMapp của Mỹ bắt đầu có phản ứng với cách thức điều trị này. Đây được cho là dấu hiệu tốt trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh do virus Ebola gây ra đang bùng phát các quốc gia Tây Phi, gồm Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết virus Ebola đã làm 84 người tử vong chỉ trong vòng 3 ngày (từ hôm 14 - 16/8) nâng tổng nạn nhân bị thiệt mạng do dịch bệnh này trên toàn cầu lên 1.229 người.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc xác định có 2.240 trường hợp xác nhận, có khả năng và nghi ngờ nhiễm Ebola kể từ đầu năm, khiến đợt bùng phát hiện nay trở thành tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ khi vi rút này xuất hiện năm 1976.
Nỗ lực tìm kiếm vắc xin chống ebola
Trong khi cuộc chiến với dịch Ebola vẫn còn ác liệt ở tây Phi, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đang tích cực nỗ lực tìm kiếm thuốc và vắc xin phòng bệnh. Một nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Y tế Albert Einstein hy vọng sẽ tìm thấy phương thuốc làm chậm tốc độ lây nhiễm của loại vi rút nguy hiểm này.
Hồi tháng 3, Viện Y tế Quốc gia đã trao cho 28 triệu USD cho 15 tổ chức y tế trong việc tìm kiếm kháng thể chống lại vi rút Ebola chế người. 
Tuy nhiên, cho đến giờ, vẫn cho có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng chống hiệu quả được WHO chính thức công nhận.
Lí giải về việc bệnh do virus Ebola hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có cách điều trị hữu hiệu, tiến sĩ Thomas W. Geisbert, giáo sư chuyên ngành vi trùng học và miễn dịch tại Đại học Texas (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi đã chế ra nhiều loại vắc xin tỏ ra thành công trong việc bảo vệ các động vật thí nghiệm, kể cả các động vật linh trưởng không phải con người, trước virus Ebola. Nhưng việc phát triển vắc xin cho con người là một quá trình lập quy rất dài, từ thời điểm tạo ra một loại vắc xin cho động vật trong phòng thí nghiệm có khả năng bảo vệ chúng ta. Thực sự có rất nhiều rào cản pháp lý và các quy định cần phải vượt qua".
Theo thống kê không đầy đủ, ít nhất 4 loại vắc xin khác nhau phòng Ebola đang trong quá trình phát triển, kể cả một loại bảo vệ khỉ hoàn toàn trước virus nguy hiểm chết người. Nhiều hãng dược và các nhóm nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cách chữa trị, nhưng một trong những giải pháp hứa hẹn nhất đang bị mắc kẹt trong quy trình kiểm tra tính an toàn.
Trước đó, Zmapp, một loại thuốc của công ty công nghệ sinh học Mỹ Mapp Biopharmaceutical đã được thử nghiệm trên người khi được tiêm cho 2 công dân Mỹ bị nhiễm virus Ebola tại Liberia. Kết quả thử nghiệm khả quan khi sức khỏe của 2 công dân Mỹ hồi phục.
Linh Chi