Việt Nam không chủ quan với dịch
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), tình hình mắc bệnh Ebola đang có những diễn biến phức tạp.
Các trường hợp mắc mới và chết tiếp tục được báo cáo tại 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone). Từ ngày 02-04/8/2014 đã ghi nhận thêm 108 trường hợp mắc mới bao gồm 45 trường hợp tử vong cụ thể tại: Guinea (10 mắc, 5 tử vong), Liberia (48 mắc, 27 tử vong), Nigeria(5 mắc, 0 tử vong), Sierra Leone (45 mắc, 13 tử vong).
Tính đến ngày 04/8/2014 thế giới đã ghi nhận 1711 trường hợp nhiễm
vi rút Ebola trong đó có 932 trường hợp tử vong tại 04 nước vùng Tây Phi gồm Guinea (495 mắc/363 tử vong), Liberia (516 mắc/282 tử vong), Nigeria(9 mắc, 1 tử vong), và Sierra Leone (691 mắc, 286 tử vong). Đặc biệt đã ghi nhận trên 100 cán bộ y tế đã lây nhiễm vi rút này.
|
Dịch bệnh Ebola cướp đi hàng ngàn sinh mạng các quốc gia tây phi. |
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Ebola, ngành Y tế Việt Nam ngày 7/8 đã chính thức đưa ra 3 phương án đối phó với dịch bệnh. Theo đó, trong trường hợp chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam thì cần phải phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.
Trong trường hợp xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, thì cần phải khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng.
Cuối cùng khi dịch lây lan trong cộng đồng, thì phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.
Ebola đe dọa khu vực Đông Nam Á
Mới đây, giới chức y tế Philippines cũng thông báo đã phát hiện bảy trường hợp nghi nhiễm Ebola đầu tiên từ bảy công nhân trở về từ Sierra Leone. Nhiều người lo ngại, đại dịch Ebola sẽ tiếp tục bùng phát trong diện rộng, đe dọa đến các nước trên thế giới.
Theo cơ quan y tế Philippines, 7 công nhân mới trở về từ Sierra Leone có biểu hiện những triệu chứng giống nhiễm Ebola. Hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với 7 công nhân này, tuy nhiên kết quả đều âm tính với vi rút chết người này.
Trước diễn biến trên, các nhà chuyên môn nhận định dịch rất có thể sẽ lan rộng tại khi vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vì thế cần phải làm mọi biện pháp để ngăn chặn. Đặc biệt là các thành phố lớn, đông dân cư như TP.HCM.
|
Việt Nam quyết tâm chặn dịch từ biên giới. |
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện TPHCM có khá đông người dân Philippines sinh sống, nên việc đi lại giữa vùng dịch vào thành phố là rất lớn. Vì vậy, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng TPHCM và bệnh viện địa phương giám sát chặt chẽ người nhập cư, nhất là người nước ngoài ở các vùng dịch đến hoặc người di chuyển từ vùng dịch về.
Đau đầu vì chưa có thuốc dập dịch
Theo tổ chức Y tế thế giới, hiện vẫn chưa có bất cứ loại thuốc hay vaccine nào có thể đối phó được với dịch Ebola, mặc dù tỉ lệ tử vong của căn bệnh này là từ 60-90%. Một số loại thuốc và vaccine có triển vọng vẫn đang được phát triển, nhưng chưa loại nào được phép lưu hành rộng rãi.
Mới đây, hai nhân viện Y tế của Mỹ là bác sĩ Brantly và y tá Writebol nhiễm virus Ebola ở Liberia trong tình cảnh thập tử nhất sinh, họ đã được tiêm một liều thuốc thử nghiệm có tên là ZMapp. Sau khi được tiêm loại thuốc này, sức khỏe của họ đã tiến triển đáng kể và họ đã được chuyển về Mỹ để tiếp tục điều trị.
Với những diễn biến tích cực của 2 nhân viên y tế Mỹ sau khi tiêm thuốc Zmapp, chính quyền Nigeria đã chính thức yêu cầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) cho phép họ được sử dụng loại thuốc này. Mặc dù hiện vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về tác dụng của ZMapp đối với hai ca bệnh trên. Qua đó có thể thấy được sự nguy hiểm và sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Ebola.
Cũng đánh giá về tình trạng không có thuốc chữa trị, bà Mari-Paule Kieny, trợ lý tổng giám đốc WHO: “Chúng ta đang lâm vào tình cảnh khác thường trong đại dịch này. Chúng ta đang trải qua đợt dịch với tỉ lệ tử vong cao mà không có bất cứ loại thuốc hay vaccine nào được chứng minh là có hiệu quả. Chúng tôi cần các chuyên gia đạo đức y khoa để đưa ra định hướng cho việc làm có trách nhiệm trong hoàn cảnh này”.
Minh Hoang