Giàu chất béo, thiếu vitamin
Với thành phần chủ yếu là thịt và chất béo, đồ ăn nhanh được coi là thực phẩm giàu năng lượng nhưng lại dễ gây các bệnh xơ vữa động mạch, béo phì… do thiếu trầm trọng chất xơ, vitamin và chất khoáng.
Thông thường, có trên 400-450 calo trong một phần gà rán, 450-460 calo trong một phần hamburger, một chiếc bánh pizza có thể cung cấp đến 1.500 calo. Một em bé khi ăn một chiếc pizza, tức là đã đưa vào cơ thể gần đủ năng lượng cần thiết cho một ngày.
TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong 100g khoai tây chiên có chứa 8g acid béo xấu; 100g bánh ngọt phủ kem, đường có chứa 5g acid béo xấu, như một 100g kẹo thanh cũng chứa đến 3g acid béo xấu…
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ |
Một số người cho rằng ăn hoa quả, sinh tố cùng với đồ ăn nhanh cũng được coi như ăn rau trong các bữa cơm hàng ngày. Theo tư vấn của TS Nguyễn Thị Lâm, hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau luôn cao hơn trái cây. (chẳng hạn so với cam, chanh, chất khoáng và vitamin trong rau dền cao gấp 2,6 lần).
Ngoài ra, chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón, gia vị đi kèm rau như tỏi, rau thơm…còn tốt cho hấp thụ và tiêu hóa, đồng thời còn đóng vai trò như một loại kháng sinh thực vật giúp cơ thể tự bảo vệ khỏi vi rút và các bệnh truyền nhiễm.
Chỉ nên dùng đồ ăn nhanh một tuần một lần
Chất đạm trong đồ ăn nhanh (khoảng 15%, tương đương 120-150g các thực phẩm giàu chất đạm có nguồn gốc động vật) đã có tác dụng thay thế nhu cầu đạm hàng ngày của con người.
Theo TS Lâm, mặc dù nhu cầu chất đạm và chất béo rất quan trọng với cơ thể nhưng chất acid béo trong đồ ăn nhanh lại rất nguy hại cho trẻ em. Loại acid béo này nguy hiểm ở chỗ chúng được sản sinh ra qua quá trình sản sinh hydro hóa của dầu chiên ở nhiệt độ cao.
Khi acid béo xấu này vào cơ thể sẽ làm tăng cholessterol xấu, đồng thời làm hạ cholesterol tốt, gây xơ vữa động mạch, đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến cho máu không lưu thông , gây tắc nghẽn từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
|
Ảnh minh hoạ |
Lượng natri trong bánh burger, khoai tây chiên… cao hơn rất nhiều so với nhu cầu của cơ thể, vì vậy, nếu kéo dài việc thường xuyên ăn đồ ăn nhanh sẽ đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh tim, sỏi thận và xơ gan do thiếu trầm trọng chất xơ, vitamin và khoáng chất bố sung cho cơ thể.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia và California, Berkeley (Mỹ) cho thấy 86% trẻ em ăn đồ ăn nhanh trên 2 lần/tuần sẽ mắc bệnh béo phì.
Nếu dùng đồ ăn nhanh trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì với hàng loạt nguy cơ bệnh lý liên quan dư thừa dinh dưỡng: rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim...do đồ ăn nhanh thiếu trầm trọng chất xơ, viatamin, chất khoáng - thành phần chỉ có rau, củ, quả…trong các bữa ăn hàng ngày mới cung cấp đủ.
Đặc biệt, đồ ăn nhanh rất dễ gây nghiện, hương vị hấp dẫn và hình thức bắt mắt, tính tiện dụng luôn tạo cho thực khách một thói quen khó bỏ. Các chuyện gia đánh giá, đồ ăn nhanh còn có thể gây nghiện tốt hơn cocain.
Đồ ăn nhanh đi kèm với nước uống có ga còn không tốt cho khứu giác nếu trẻ em ăn quá nhiều. Việc thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất sẽ khiến các hoạt động khứu giác ít nhạy cảm hơn so với việc dung nạp đầy đủ chúng. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn đồ ăn nhanh một tuần một lần để vừa bảo đảm được sức khỏe, vừa tận hưởng được những hương vị khoái khẩu của mình.
Vai trò của chất béo trong các khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng trong việc tạo ra màng trao đổi chất, tạo ra mô, đặc biệt là mô thần kinh. Vì vậy, để đảm bảo cho cuộc sống hiện đại năng động, tiện dụng, các loại đồ ăn nhanh luôn chứa một hàm lượng cao chất béo, chất đạm cung cấp cho nhu cầu hoạt động của cơ thể.
Nhật Linh