Dịch thủy đậu bùng phát ở nhiều nơi.
Bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ trước Tết và kéo dài cho đến nay. Trung bình mỗi ngày cả khoa tiếp đón khoảng 20 ca nhập viện vì bị thủy đậu. Bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng đa số đều chưa tiêm vắcxin phòng bệnh.
|
Bác sĩ đang kiểm tra cho bệnh nhân bị thủy đậu. |
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trung bình mỗi tuần cũng có khoảng 10 bé bị thủy đậu đến khám. Đa phần là trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng nên đều được các bác sĩ kê thuốc, tự điều trị tại nhà.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chỉ riêng ngày 12/2 đã tiếp nhận 40 bệnh nhân thủy đậu đến điều trị. Theo thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp cho thấy, số bệnh nhân đến khám bệnh thủy đậu bắt đầu tăng nhiều và nhanh kể từ tháng 10/2013. Đến tháng 1/2014 tổng số bệnh nhân mắc bệnh đã vọt lên gần 600 bệnh nhân, số bệnh nhân trong tháng 2/2014 đang có xu hướng tăng mạnh hơn.
Ngày 17/2, khoảng 10 bệnh nhi mắc thủy đậu buộc phải yêu cầu nhập khoa Nhiễm-Thần kinh của bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Bác sĩ Trương Hữu Khanh- trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện cho biết, thông thường bệnh thủy đậu vào mùa từ tháng 2-6 và cao điểm bùng phát từ tháng 3 nhưng năm nay đỉnh dịch đến sớm hơn so với mọi năm. Trong số gần 50 trẻ đang điều trị tại đây, có nhiều trẻ bị biến chứng viêm phổi do bệnh gây ra.
Theo đại diện bệnh viện Nhi đồng 2, trong hai tuần đầu tháng 2 có hơn 520 ca thủy đậu.
Bệnh thủy đậu là do siêu vi gây ra, bệnh thường diễn ra theo mùa, khi thời tiết lạnh, ẩm chuyển sang ấm nóng thì sức đề kháng cơ thể giảm xuống tạo điều kiện cho siêu vi tấn công. Khi bị thủy đậu, các bóng nước sẽ gây ngứa khó chịu và sau năm đến bảy ngày khi bóng nước tróc vảy mới hết bệnh. Tuy nhiên, vì bóng nước quá ngứa nên người bệnh gãi thì bóng nước vỡ, dễ bị nhiễm trùng da và để lại sẹo xấu.
Đối với phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non, đầu nhỏ, mắt nhỏ. Và, nguy hiểm nhất là thai phụ sắp sinh mà bị thủy đậu sẽ lây cho trẻ vừa sinh ra. Lúc đó, sức đề kháng của trẻ yếu, trẻ càng dễ bị viêm phổi, suy hô hấp từ di chứng của bệnh thủy đậu.
Hầu hết các điểm tiêm chủng hết vắc xin thủy đậu.
Tuy nhiên một thực tế đáng lo ngại, trong khi số ca mắc thủy đậu ngày càng gia tăng thì vắc- xin phòng ngừa căn bệnh này đã hết từ lâu.
Tại TP.HCM, khi dịch thủy đậu bùng phát, rất nhiều phụ huynh ở TP.HCM đưa con đến viện Pasteur TPHCM chích ngừa vắc- xin thủy đậu đều nhận được cái lắc đầu. Ở phòng khám và chích ngừa tại đây dán thông báo: “Hiện tại viện Pasteur hết vắc-xin ngừa bệnh thủy đậu. Chúng tôi không rõ thời điểm nào có thuốc trở lại”.
Nhiều tháng qua bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã hết vắc-xin ngừa thủy đậu.
"Thời điểm này tất cả các điểm tiêm phòng trên toàn quốc đã hết vắc xin phòng thủy đậu. Tại Hà Nội, các điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm y tế dự phòng cũng như điểm tiêm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều không còn loại vắc xin này",Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết.
Còn theo PGS. TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) cho biết, ngành y tế chưa chủ động được vắc xin phòng bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ), tất cả vắc xin này đều phụ thuộc vào các công ty, đơn vị cung ứng vắc xin nên chưa thể biết được khi nào có lại vắc xin này để tiêm phòng cho người dân.
Ngọc Nga