|
Số ca mắc cúm A (H7N9) đang có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam. |
Các phương tiện truyền thông trong nước cho biết, bệnh đã quay trở lại sau đợt bùng phát vào năm ngoái.
Cổng thông tin chính phủ báo cáo, một bệnh nhân 75 tuổi họ Lý đã qua đời do nhiễm vi rút tại một bệnh viện ở Hàng Châu, miền Đông tỉnh Chiết Giang. Bên cạnh đó, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết, một bệnh nhân khác, 38 tuổi, ở Tây Nam - Quý Châu đã qua đời vào ngày 9/1 sau khi có các triệu chứng ho và chóng mặt cách đây một tháng.
Hai trường hợp khác là một phụ nữ 28 tuổi tên Pu, sống tại Nam Hải - Phật Sơn và ông Ou, 46 tuổi, sống ở Thị trấn Shishan của huyện Nam Hải. Cô Pu nhập viện cách đây 2 ngày và sức khỏe đang dần ổn định. Còn ông Ou đang ở trong tình trạng nguy kịch, báo cáo cho biết.
Dịch cúm gia cầm H7N9 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 2/2013 và gây ra nỗi e ngại rằng vi rút này có khả năng phát triển thành đại dịch vì dễ dàng lây lan. Các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong giảm đáng kể vào cuối tháng 6, nhưng đã gia tăng trở lại vào đầu mùa đông năm ngoái.
Theo thống kê, có khoảng 150 người ở Đài Loan và Hồng Kông nhiễm bệnh, trong đó có ít nhất 45 người chết. Một phân tích khoa học gần đây chỉ ra rằng bệnh cúm gia cầm có thể lây từ người sang người. Điều này báo động một đại dịch cúm ở người trong thời gian tới.
Các trường hợp nhiễm chủng H7N9 gần đây ở Trung Quốc đã chứng minh rằng chủng cúm gia cầm liên tục biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn. So với cúm gà A (H5N1), vi rút H7N9 đặt ra một mối đe dọa về đại dịch nghiêm trọng hơn với con người do tốc độ lây lan nhanh và không có biểu hiện rõ ràng, dễ phát hiện như H5N1. Những người ở độ tuổi khác nhau cũng bị ảnh hưởng bởi chủng cúm khác nhau. Các ca nhiễm vi rút H5N1 chủ yếu là 18 tuổi. Trong khi đó ở H7N9 là 60 tuổi. Khoảng 79% trường hợp nhiễm H5N1 rơi vào độ tuổi thấp hơn 30, so với 70% số người nhiễm H7N9 có độ tuổi trung bình trên 50.
Đặng Thủy