|
Ảnh minh họa. |
Chế độ ăn điều trị bệnh đái tháo đường bao gồm một số nguyên tắc như đảm bảo bữa ăn cân đối giữa các thành phần dưỡng chất của 4 nhóm: Nhóm giàu tinh bột (có trong cơm, bún, mỳ, phở, bánh mỳ, khoai, bắp), nhóm giàu đạm (có trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu...), nhóm giàu béo (có trong các loại dầu thực vật), nhóm giàu vitamin và các chất khoáng (có trong các loại rau quả).
Khẩu phần ăn được tính toán dựa vào mức độ lao động và chế độ luyện tập nặng, nhẹ, hoặc trung bình. Nên chọn các thực phẩm tươi gần với thiên nhiên và có hàm lượng xơ cao như gạo chà dối, ngũ cốc còn nguyên vẹn, gạo lứt, rau lá màu xanh đậm, nên ăn cá thường xuyên hơn thịt, chỉ ăn thịt nạc bỏ da; uống sữa không đường ít béo hoặc sữa dành riêng cho người bệnh đái tháo đường. Nên ăn đủ 3 bữa chính và thêm 1 - 2 bữa phụ xen kẽ, bữa ăn nên đúng giờ để tránh bị hạ đường huyết.
Với những bệnh nhân đái tháo đường thì phải giảm thói quen ăn quá mặn. Tránh sử dụng các loại thức ăn nhiều đường như chè, mứt, bánh kẹo, nước ngọt, mật ong... Lưu ý là lượng tinh bột trong mỗi bữa ăn của người bệnh cần được ổn định, món ăn không nên hầm nhừ, chiên giòn và thực phẩm đừng xay nhuyễn hoặc nghiền nát, để đường huyết không bị tăng quá cao sau các bữa ăn. Bỏ hút thuốc, hạn chế bia, rượu.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố nền tảng trong các biện pháp điều trị bệnh đái tháo đường đặc biệt là đái tháo đường típ 2. Với thói quen, sở thích và tình trạng kinh tế sẵn có, mỗi người bệnh có thể tự xây dựng cho mình nhiều thực đơn khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả thực đơn đều phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc trên thì bữa ăn mới giúp ổn định đường huyết.
BSCK I Nguyễn Thị Ánh Vân (Phó khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM)