Nín thở khi cấp cứu!
BS Trần Thị Thanh Hà, Khoa hồi sức tích cực, BV Tim Hà Nội cho biết: Bệnh nhân là Đỗ Thị S. (74 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội) được BV Giao thông vận tải chuyển đến. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường đã 27 năm nay và thường xuyên phải điều trị hai căn bệnh này. Trước khi rơi vào tình trạng nguy kịch trên, bệnh nhân thấy đau ngực trái, cơn đau cứ âm ỉ, rồi tăng dần. Cùng với đó, bệnh nhân thấy mệt, vã mồ hôi, khó thở...
Khi vào BV Giao thông vận tải, bệnh nhân bị tụt huyết áp, suy hô hấp; các bác sĩ ở đây đã phải đặt nội khí quản, cho thở máy, đồng thời đặt đường truyền lớn để truyền thuốc trợ tim cho bệnh nhân nhưng tình trạng vẫn nguy kịch nên chuyển sang BV Tim Hà Nội.
Tại BV Tim Hà Nội, bệnh nhân được chụp mạch vành, can thiệp cấp cứu bằng biện pháp nong bóng, đặt stent. Sau khi đặt stent, nhịp tim chậm dần, huyết áp tụt. Bác sĩ đã tăng gấp đôi liều thuốc cấp cứu, nhưng bệnh nhân không đáp ứng với thuốc vận mạch, nhịp tim rời rạc... Kíp bác sĩ, kỹ thuật viên tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực, ép tim ngoài lồng ngực liên tục... nhưng sau 30 phút, khi ngừng ép tim, điện tim là đường thẳng. Kíp bác sĩ lại quyết định dùng bóng bơm đối xung bơm theo nhịp ép - cách cuối cùng để cấp cứu.
Nói về việc dùng bóng bơm đối xung, BS Trần Thị Thanh Hà cho biết, về lý thuyết, bóng bơm đối xung chỉ có tác dụng khi cấp cứu đã thấy nhịp thứ nhất; bóng sẽ tiếp nối để có nhịp tiếp theo. Nhưng ở trường hợp này, tim đã không còn đập. Vậy mà, điều kỳ diệu đã xảy ra, sau khoảng 10 phút hỗ trợ bằng bóng, tự dưng tim đập trở lại khiến cả ê kíp cấp cứu cùng kinh ngạc. Bệnh nhân đã được cứu sống. Thương tổn trên người là... gãy 3 xương sườn, nhưng điều đó không hề gì, xương sẽ tự lành, điều quan trọng là tim đã đập trở lại, não không bị chết.
|
Bệnh nhân S. khi đang điều trị (ảnh bác sĩ cung cấp). |
Bệnh nhân đã khoẻ
Sau khi tim đập trở lại, bệnh nhân S đã được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực, BV Tim Hà Nội để theo dõi và điều trị tiếp. Sau 4 ngày kể từ khi "từ cõi chết trở về", bệnh nhân S. đã tỉnh táo, tự thở tốt, các chỉ số huyết áp và động mạch tốt nên được rút ống nội khí quản. Những ngày nằm ở khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ai đi qua phòng bà S dù không có nhiệm vụ gì cũng... liếc vào. Anh kỹ thuật viên trực tiếp ép tim cho bà S. thì... lè lưỡi, không giấu được sự vui mừng vì bệnh nhân "vẫn khoẻ, vẫn sống". Hiện bệnh nhân đã ra viện, chỉ phải tái khám theo lịch.
BS Trần Thị Thanh Hà cho biết, quả thực, đây là ca cấp cứu gay cấn, bệnh nhân tưởng không cứu được vậy mà lại cứu thành công; thành công hơn cả là bệnh nhân lại không bị chết não sau thời gian dài tim ngừng đập (nếu cứu được tim mà chết não thì cũng vô ích).
Lâm Nhi