Nơi có nhiều sâu chít
Thời gian gần đây, một số chợ miền núi vùng Tây Bắc nước ta như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Lạng Sơn, Hoà Bình có bán các chai rượu sâu chít. Sâu chít hay "Tồ đuổng khem" (tiếng Thái) là ấu trùng của loài bướm Brihaspa atrostigmella Moore, thuộc họ Crambidae (Bộ cánh vảy - Lepidoptera). Đến mùa sinh sản, loài bướm này đẻ trứng trên thân cây chít, hay đót (Thysanolaena maxima (Roxb.) Kuntze), thuộc họ lúa (Poaceae). Ấu trùng nở ra, bò lên ngọn cây để ăn các lá non đang hình thành, kể cả cụm hoa non, làm cho cây chít bị cụt ngọn.
Cây chít thuộc loại thân thảo, sống nhiều năm, cao 2-3m, thường mọc ở vùng đồi núi, ven rừng khắp Việt Nam. Lá cây dài 30-60cm, hình mũi mác rộng bản; cụm hoa to ở ngọn thân, dài 30-60cm, phân nhiều nhánh mảnh, thường được bó lại làm chổi (chổi đót).
Vào các tháng cuối năm, người ta tìm những cây chít có lá ngọn không phát triển thì trong thân thường có sâu chít. Chặt cách ngọn khoảng 40-50cm, chẻ ra sẽ thấy con sâu chít còn sống, màu trắng ngà, dài khoảng 4-6cm, bề ngang khoảng 5-6mm, nhìn rõ 4 đôi chân bụng, trông như con tằm.
|
Sâu chít có giá trị bồi dưỡng cơ thể, phục hồi chức năng tạo máu. |
Chứa nhiều chất dinh dưỡng
Sâu chít lấy ra khỏi thân, cho vào chậu nước muối để rửa sạch, sau đó ngâm vào rượu hoặc sấy khô, tẩm mật ong, rồi sấy lại cho thật khô để dùng. Con sâu chít ở giai đoạn cuối của ấu trùng chứa 75% nước. Sâu chít khô chứa 31% lipit, 30,83% protit; có 17 axit amin, trong đó 7/8 loại cần thiết cho cơ thể; có 10 axit béo, trong đó loại axit béo không no chiếm 58,37%; nhiều nguyên tố vi lượng như kaki, canxi, đồng, sắt, kẽm....
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh sâu chít có giá trị bồi dưỡng cơ thể, phục hồi chức năng tạo máu, đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu, phục hồi sức khoẻ của chuột sau chiếu xạ. Cụ thể, cho chuột thí nghiệm ăn liên tục 40 ngày với liều 0,25g/100g thể trọng, sâu chít có tác dụng cải thiện chức năng sinh sản của chuột bình thường và chuột đã gây suy giảm chức năng này bằng nhiệt và bằng stress. Hiện chưa phát hiện được độc tính cấp và bán trường diễn do sâu chít gây ra.
Trong dân gian, người ta gọi sâu chít là "Đông trùng hạ thảo Nam" và dùng như Đông trùng hạ thảo Bắc nhập từ nước ngoài, mặc dù nó không có liên quan gì đến Đông trùng hạ thảo thật. Khi khai thác, con sâu chít vẫn đang sống, không có phần "Thể quả" (bộ phận sinh sản mang bào tử của nấm ký sinh mọc ở đầu con sâu) như Đông trùng hạ thảo thật. Để tránh nhầm lẫn, ta nên gọi đúng tên của nó là sâu chít.
TSKH Trần Công Khánh