Tắc mạch ối là bước vào cửa tử
Các bệnh viện ta từng ghi nhận liên tiếp nhiều ca tử vong vì tắc mạch ối như trường hợp mẹ con sản phụ Phạm Thị Trang ở Hải Phòng tử vong ngày 3/2/2014 do nước ối tràn lên phổi gây tắc mạch ối.
Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Vinh ở Nghệ An tử vong ngày 5/9/2013 sau khi rơi vào tình trạng suy hô hấp, tím tái, tim thai rời rạc do tắc mạch ối.
Hay như sản phụ Vũ Thị Thúy ở Bình Dương tử vong ngày 7/9/2013 cũng tử vong do thuyên tắc mạch ối... hay nhiều trường hợp sản phụ không may mắn khác.
|
TS. Nguyễn Duy Ánh, GĐ. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội |
Theo TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để cứu sống được sản phụ tắc mạch ối cần sự nỗ lực tối đa của những bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và sự may mắn rất lớn của sản phụ. "Sở dĩ tôi nói như vậy vì tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm và không lường trước được. Thậm chí tỉ lệ tử vong rất cao tới 80-90%. Ngay cả với những nước có nền y học tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật ... cũng không có khả năng tiên liệu trước sản phụ vẫn
tử vong vì tắc mạch ối", ông Ánh nói.
"Với chúng tôi thì tắc mạch ối là một thảm họa. Có chăng may mắn lắm là cứu được mẹ hoặc cứu được em bé. Việc cấp cứu cho sản phụ tắc mạch ối là cuộc giành giật từng giây mới mong kéo được sản phụ về từ tay thần chết", ông Ánh cho biết.
Nước ối kịch độc khi tràn vào mạch máu mẹ
Lý giải về việc cấp cứu cho sản phụ tắc mạch ối là rất khó khăn và nguy cấp ông Ánh phân tích: "Nước ối là môi trường an toàn cho bé nhưng nếu nước ối đi vào mạch máu, tuần hoàn và cơ thể người mẹ thì nó như bơm một loại tạp chất độc vào.
|
Nước ối an toàn với bé nhưng lại là chất độc nếu tràn vào mạch máu người mẹ. Ảnh: WEBMD |
Trong nước ối có lẫn vô số tạp chất từ các vi chất dinh dưỡng, lông em bé, gây, các lớp màng, các chất dịch, nước tiểu phân su do em bé thải ra... Nước ối đi đến đâu sẽ gây ra tắc mạch đến đó, người mẹ ngay lập tức sẽ sốc phản vệ, ngừng tim, suy hô hấp, tím tái toàn thân, rối loạn đông máu và đông máu nội mạc rải rác sau đó là tử vong nhanh chóng".
Nước ối tác động như một dị vật trong dòng máu và kết quả là giải phóng nhiều chất trung gian nội sinh khác nhau như: histamin, bradykinin, cytokin, prostaglandin, leukotrien, thromboxan... Các chất trung gian này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng lâm sàng của tắc mạch ối, bác sĩ Ánh phân tích thêm.
Cũng theo ông Ánh, tai biến tắc mạch ối có thể xảy ra trong khi sản phụ chuyển dạ, trong khi mổ lấy thai hoặc thậm chí vẫn gặp khi chưa có chuyển dạ, sau
đẻ thường hoặc sau mổ. Mặc dù rất nguy hiểm nhưng tai biến này xuất hiện không nhiều.
Tỷ lệ bệnh nhân tắc mạch ối khoảng 10-15 trên 100.000 ca đẻ sống.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, 75% sản phụ bị tắc mạch ối là ở những người chửa thai trai. Bên cạnh đó, sản phụ sinh con dạ, đẻ nhiều lần, thai to, thai lưu, đa thai, đa ối… là yếu tố nguy cơ bị tai biến này.
Thu Nguyên