Mía luôn là thức ăn, nước uống bổ dưỡng. Theo Đông y, mía có tác dụng đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết, mát phế, tiêu đờm, giáng hỏa, hòa vị, tiêu phiền, dễ ngủ, lợi gân cốt.
Mía chứa nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, phosphor, sắt, các vitamin B2, vitamin C, các axit hữu cơ và nhiều loại enzym rất có lợi cho sức khoẻ. Mía còn được ví như “phục mạch thang” có tác dụng ích khí dưỡng huyết, tư âm, phục mạch. Dưới đây là một số cách dân gian sử dụng mía làm thuốc chữa bệnh.
- Chữa ăn vào nôn ra: Nước mía chưng với vài lát gừng tươi cho uống.
- Chữa viêm amiđan, viêm họng cấp mạn tính: Mía vài khúc, củ cải 100g sắc nước uống ngày vài lần.
- Chữa phụ nữ có thai buồn nôn: Chẻ mía từng miếng ăn ít một.
- Chữa phụ nữ tiền mãn kinh hay bị chứng bốc nóng lên đầu: Mía khoảng một cây, chanh một quả ép nước uống ngày vài lần.
- Chữa nhiệt miệng: Mía ăn hoặc ép uống nhiều ngày.
- Chữa ho gà: Mía vài khúc, rau má, rau sam mỗi vị 50g sắc uống vài lần ngày.
- Chữa hậu sởi, trẻ em lên ban sởi hoặc sau khi lên sởi: Mía vài khúc với rau mùi 100g ép nước uống ngày vài lần.
- Chữa tiểu ít, tiểu rắt (viêm tiết niệu): Mía vài khúc, râu bắp, mã đề mỗi vị 50g tươi hoặc khô) sắc uống.
- Chữa suy giảm chức năng gan: Uống nước mía ngày 2 - 3 ly uống nhiều ngày.
- Chữa say rượu: Uống nước mía, hoặc nhai mía
nuốt nước.
- Chữa bị say nắng, sốt vã mồ hôi, khát nước: Mía ép nước cho ít chanh vào uống.
Lương y Nguyễn Minh (Trung tâm Y tế Việt – Nga)