Rau má, vị thuốc còn gọi tích tuyết thảo. Trước đây rau má thường mọc hoang nơi bờ ruộng nay phải trồng như các loại rau khác. Rau má có thời kỳ được coi là rau "cứu đói của nhà nghèo".
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng tính hàn. Tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, lợi tiểu. Chữa phế nhiệt ho khan, viêm họng, gan nóng mụn nhọt, rôm sảy, chàm vẩy nến, tiểu buốt gắt, tiểu ra máu, khí hư bạch đới, kiết lỵ, giải độc. Sau đây là một số bài thuốc đơn giản hiệu nghiệm có dùng rau má.
* Chữa huyết áp cao: Rễ nhàu 16g, rễ kiến cò 12g, lá tre l2g, rễ tranh 12g, rễ cỏ xước 12g, rau má 16g, lá dâu 12g, sắc uống hoặc đóng viên làm trà uống thay nước hàng ngày.
* Chữa ngoài da nổi mụn nhọt khô sần: Rau má 200g, giò heo chặt khúc 100g gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
* Chữa ho khan (do phế nhiệt): Rau má rửa sạch 100g, mía cây một khúc, quất 1 - 2 trái ép nước uống ngày 1 - 2 lần, hoặc rau má nấu canh thịt heo bầm ăn.
* Chữa sốt xuất huyết: Rau má 20g, cỏ mực 16g, sắn dây 16g, đậu đen 40g, lá tre 16g, rễ tranh 16g, sắc uống ngày một thang.
Rau má không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết mà còn là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống oxy hoá, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y TP Vũng Tàu)