Chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho bệnh suy thận

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh nhân có bệnh thận mạn, thận không thể lọc và loại bỏ nước dư thừa, vitamin khoáng chất cùng các độc chất thải ra từ cơ thể cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng. 

Hạn chế đạm
Các tiết chế chặt chẽ thường áp dụng cho bệnh thận mạn giai đoạn 3-4 hoặc chức năng thận giảm chỉ còn dưới 50%. Tùy theo mức độ suy thận, các bệnh phối hợp, hoàn cảnh kinh tế mà các nguyên tắc sau có thể được thay đổi cho phù hợp với từng bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Tiết chế giúp tránh ứ đọng các chất dư thừa có hại cho cơ thể và làm bệnh thận chậm tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Tiết chế protein (đạm) nhằm tránh ứ đọng các sản phẩm thoái biến từ protein làm tăng gánh nặng cho thận. 
Khi bệnh thận mạn giai đoạn 3-4, cần tiết chế protein còn 0,6 - 0,8g/kg cân nặng/ngày, tương đương ăn 150 - 200g thịt nạc (hoặc cá không xương, tôm đã bóc vỏ, thịt gà không xương...) mỗi ngày đối với bệnh nhân nặng 50kg. Nên ăn các loại đạm, trong đó ưu tiên protein chất lượng cao (thịt, cá, tôm, trứng, sữa), và protein thực vật (đậu hũ, giá, các lọai ngũ cốc).
Nên ăn các loại axit béo không no có nhiều trong cá biển vùng nước lạnh, dầu ô liu, dầu cải, dầu đậu nành.
Tôm có protein chất lượng cao. 
Cần có chế độ ăn lạt, giảm muối 
Muối làm tăng giữ nước trong cơ thể, gây phù, tăng huyết áp và còn làm tăng gánh nặng cho thận tiết chế muối ăn dưới 6g được áp dụng trong mọi giai đoạn của bệnh thận mạn. Chế độ này có nghĩa là không nêm, không chấm.
Nếu đang bị phù hoặc suy thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không tự ý uống nhiều nước. Lượng nước uống vào bằng lượng nước tiểu mỗi ngày công thêm 500ml.
Cần có chế độ ăn giảm kali một khi thận suy
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn giảm kali sau khi xét nghiệm về kali máu. Tiết chế kali dành cho các người bệnh thận bị tăng kali máu (kali máu tăng trên 5,5mMol/L), suy thận nặng hoặc phải dùng những thuốc giữ kali. Các loại thức ăn có chứa nhiều kali như chuối, dưa hấu, dưa tây, cam, quýt, xoài, nhãn, khoai tây, cà chua, trái bơ, kiwi, trái đào, các loại trái cây khô, hạt rang, các loại rau có màu xanh đậm và các loại nước ép trái cây.
Các loại thức ăn có chứa ít kali gồm: Táo, dâu tây, lê, mận, khóm, dưa leo, bắp cải, bông cải, cơm, bánh mỳ, ngũ cốc. Khi có tăng kali, cần kiêng mọi loại trái cây cho đến khi có chỉ định của bác sĩ cho dùng lại.
Cách chế biến thức ăn cũng làm giảm kali như luộc rau và bỏ nước, rửa kỹ hoặc ngâm rau quả nhiều giờ trong nước.
Tăng phốt pho gặp ở những người bệnh thận có suy thận, làm xương yếu, dễ gãy. Lắng đọng ở da gây ngứa và lắng đọng ở hệ tim mạch. Phốt pho có nhiều trong sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa như ya-ourt, phô mai, các loại đậu.
BS Nguyễn Thị Thu Thảo (Trưởng Khoa Nội Tiết Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Thế Quốc Hùng Vương -

Bác sĩ cho em hỏi ạ.

Anh trai em vừa mới phát hiện mình bị suy thận nên em muốn hỏi bác sĩ là anh trai em nên ăn các loại thực phẩm và đồ uống nào ạ.và nên kiêng những những gì à?

Em cảm ơn bác sĩ ạ.

Hiển thị thêm bình luận