- Hỏi: Tôi bị bệnh tăng huyết áp, rối loạn tiền đình mạn tính, bị bệnh tiểu đường tuýp 2 mạn tính. Cuối năm 2008, tôi được ông bạn cho một cây hoàn ngọc về trồng và sử dụng. Bạn tôi nói cây chữa được rất nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường... Tôi đã trồng rất tốt nhưng chưa sử dụng vì chưa rõ thực hư thế nào? Mong tòa soạn tư vấn tôi có nên dùng không? - Đào Anh Sáo (Hà Nam).
|
Cây hoàn ngọc |
PGS.TSKH Trần Công Khánh trả lời: Trước hết bạn cần phải xác định xem đó có phải là cây hoàn ngọc (xuân hoa, tú lình, con khỉ, nhật nguyệt...).
Đây là một cây làm cảnh được trồng phổ biến ở nước ta và rất dễ nhầm lẫn với cây khác. Điểm dễ nhận biết của cây xuân hoa: Cây bụi, cao từ 1 - 3m, sống nhiều năm, thân non, mềm, màu xanh lục, phần già hoá gỗ màu nâu.
Khi vò tươi thấy lá nhớt và hơi dính tay. Cuống lá dài khoảng 2cm, gốc phiến lá men xuống cuống lá. Cụm hoa dài 10 - 16cm ở kẽ lá hoặc đầu cành.
Hoa lưỡng tính, không đều, dài khoảng 3cm, cánh hoa màu trắng, phần dưới hình ống hẹp, trên có 5 thuỳ hoa chia làm 2 môi, thuỳ dưới của môi dưới có các chấm màu tím.
Trong dân gian lưu truyền cây chữa được nhiều bệnh: tiểu đường, cao huyết áp... nhưng chưa được nghiên cứu và không có cơ sở khoa học. Vì vậy, nếu bị cao huyết áp, tiểu đường không nên sử dụng mà nên đi khám để bác sĩ cho thuốc điều trị.
Hiện tại mới có nghiên cứu sơ bộ xác định trong lá hoàn ngọc có chứa sterol, coumarin, đường khử, carotenoid và axit hữu cơ.
Trong thực tế, cây hoàn ngọc có công hiệu tốt đối với một số bệnh thuộc hệ tiêu hoá như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hoá, nhiễm khuẩn đường ruột, chữa đái buốt, đái ra máu, bị chấn thương...
Cách dùng: Rửa lá thật sạch, nhai với chút muối cho nhừ rồi nuốt. Có thể giã nát, hoà với nước để uống, hoặc lấy lá nấu canh nhạt để ăn. Liều lượng 2 - 8 lá/ngày, chia làm 2 lần, trước bữa ăn. Thời gian điều trị 7 - 20 ngày, tuỳ loại bệnh và mức độ của bệnh. Không nên sử dụng quá 10 lá vì có thể gây cảm giác khó chịu.