Hiểu biết, nói chuyện lôi cuốn nhưng khiêm tốn... là những gì tôi nhận thấy từ ông Trần Hữu Viễn (số 15, ngách 41/66 phố Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội). Càng phục hơn khi biết ông đã 89 tuổi mà vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, có thể tự chăm sóc cho bản thân và cho người vợ bị tiểu đường nay đã 86 tuổi.
|
Ông Viễn đang đạp xe tại chỗ để giữ sức khoẻ. |
Ông Viễn sinh năm 1925, nguyên cán bộ của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Ông nghỉ hưu từ năm 1981, khi mới 56 tuổi với lý do không đủ sức khoẻ để làm việc. Thời điểm ấy người ông rất yếu, người xanh xao - di chứng của các đợt sốt rét khi ở chiến khu và những năm tháng điều kiện sống vất vả, không biết chăm sóc sức khoẻ...
Để duy trì sức khoẻ, vực người từ yếu sang khoẻ, theo ông Viễn là "phải có kiến thức". Cuối năm 1981, ông đăng ký học lớp Đông y do CLB Thăng Long tổ chức. Từ lớp Đông y này, ông đã được học nhiều kiến thức quý giá. Từ đó, ông tìm tòi, học thêm và rút ra những cách chăm sóc sức khoẻ cho riêng mình. Hơn 30 năm nay, những cách giữ sức khoẻ của ông được điều chỉnh và cập nhật thường xuyên.
Việc đầu tiên ông áp dụng là chấn chỉnh ăn uống. Do bị huyết áp cao và tim mạch nên ông không ăn mỡ, không ăn đồ rán; chỉ ăn thịt nạc, không ăn da thịt gia cầm, không ăn đồ làm sẵn như xúc xích, phô mai (vì cho rằng các thức này quá nhiều chất béo bão hòa làm tăng chất đọng trong thành mạch máu)...
Ông Viễn ăn đồ xào theo cách: Cho rau vào bát để trong nồi cơm để hấp. Khi rau chín, ông cho dầu oliu và gia vị vừa đủ vào. Như vậy, các chất tươi trong dầu được giữ nguyên, món ăn không chịu tác động của sự gia nhiệt cao khiến dễ sinh các chất gây ung thư. Những đồ phải dùng nhiệt nhiều như bánh mỳ thì ông kiêng nhưng không tuyệt đối, tức là có ăn nhưng ăn rất ít. Riêng quẩy thì tuyệt đối không ăn.
Mỗi sáng khoảng 5h ông thức dậy. Trước khi xuống giường, ông vận động tại chỗ. Sau khi vệ sinh cá nhân, ông chính thức tập thể dục. Tùy từng thời điểm mà ông sẽ tập gì (ví dụ, khi đang học khí công thì ông sẽ tập khí công. Còn hiện nay, ông tự xây dựng cách tập của mình trên cơ sở khí huyết của Đông y).
Ông nói: Theo Đông y, khí đủ + huyết đủ thì người mới khoẻ. Tập thể dục chính là dùng động tác giúp khí huyết hành. Bài tập cũng được ông thường xuyên tập là vẫy tay, nhưng ông không bắt mình một ngày phải vẫy bao nhiêu cái mà thường khi cảm thấy "đủ" thì "thu công". Khái niệm "đủ" với ông là khi thấy đầu ngón tay, bàn chân, lưng, cổ, mặt đều ấm. Ngoài vẫy tay, ông còn đạp xe tại chỗ, mục đích để kích hai khớp gối, giảm hiện tượng suy tĩnh mạch, chuột rút về đêm.
Không chỉ dừng ở đó, ông Viễn còn tập thể dục với các máy móc phụ trợ như máy lắc. Cụ thể, ông nằm đặt hai chân lên máy và bật máy cho lắc qua lắc lại; sau đó lại nằm kê đầu lên máy để máy lắc kiểu "cá quẫy", mục đích củng cố cột sống. Chiếc máy này đã cũ, thậm chí hiện nay không còn bán ngoài thị trường nhưng với ông, nó rất tốt.
Buổi chiều và tối ông cũng tập thể dục nhẹ nhàng (thường là vẫy tay), xoa bóp để có giấc ngủ tốt.
Ông Viễn chia sẻ, thực ra, mỗi người sẽ có cách tập luyện khác nhau chứ không thể áp dụng chung. Điều quan trọng là phải có kiến thức, thường xuyên đọc sách báo để cập nhật thông tin khoa học về chăm sóc sức khoẻ.
Diệp Anh