Theo ông Nguyễn Đình Đính, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội), đúng là có trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Loan (22 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) nhập viện ngày 11/10 để chờ mổ đẻ trong tình trạng mang thai rau tiền đạo. Đến ngày 21/10, sản phụ đã được mổ đẻ bắt thai nhi. Tuy nhiên, đêm 21 rạng sáng 22/10, sản phụ được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung bán phần vì rau tiền đạo.
Ông Đính cho biết thêm, trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất máu nhiều nên phải truyền máu. Tuy nhiên, ông Đính khẳng định, tất cả các bịch máu truyền cho bệnh nhân đều đã được làm phản ứng chéo, kết quả không ngưng kết, đảm bảo để truyền cho bệnh nhân.
Sau khi phẫu thuật cắt một phần tử cung cho bệnh nhân, do tình trạng máu vẫn ra nhiều, bệnh nhân Loan đã được chuyển tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã nghi bệnh nhân bị truyền nhầm nhóm máu và khẩn trương chuyển lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
|
Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, nơi bị nghi ngờ truyền nhầm nhóm máu cho bệnh nhân. |
Cũng liên quan đến vấn đề này, GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khẳng định, ông đã cùng các đồng nghiệp tiến hành nhiều cuộc kiểm tra nghiêm túc, xác định nhóm máu của bệnh nhân, của những người đã hiến máu và các đơn vị máu đã truyền cho bệnh nhân. Kết luận, bệnh nhân nhóm máu B, tất cả các đơn vị máu được truyền cũng là nhóm máu B. Vì vậy, GS.TS Trí khẳng định, không có chuyện Bệnh viện đa khoa Sơn Tây chỉ định nhầm và truyền nhầm nhóm máu cho bệnh nhân.
GS. Trí khẳng định: “Nếu đặt ra giả thuyết bệnh nhân bị truyền nhầm một lượng máu quá lớn như vậy thì tính mạng sẽ bị nguy hiểm, không có cơ hội cứu sống. Tuy nhiên đến nay, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định và không còn rối loạn đông máu”.
Về phía Bệnh viện Bạch Mai, nơi sản phụ Loan đang điều trị, GS.TS Ngô Bá Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay khi bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã tập trung xử lý. Đến chiều tối 1/11, tình trạng nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân Loan đã giảm. Do đó, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn để đưa ra các hướng điều trị hiệu quả nhất. GS Châu cho biết thêm: “Chúng tôi chưa nắm rõ được bệnh nhân đã được truyền cụ thể những nhóm máu gì với số lượng cụ thể bao nhiêu. Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung hết sức để cứu sống bệnh nhân”.
Hiện, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về việc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kết luận vội vàng truyền nhầm máu bởi bệnh nhân được xác định nhóm máu AB có thể do trong máu có một phần (khoảng 10-15 ml) máu của trẻ sơ sinh nên cho kết quả chưa chính xác.
Trước đó, chiều 1/11, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin, báo cáo lãnh đạo bộ các biện pháp chấn chỉnh tình trạng đã nêu trên và gửi văn bản trả lời bộ chậm nhất là ngày 5/11. Phía bộ Y tế cũng chưa có sự giải thích gì thêm.
*Kiến Thức tiếp tục thông tin về vụ việc này...
Lê Phương