Suốt hai tháng, bé M.A không có dấu hiệu gì quá rõ rệt ngoài phần bụng lớn hơn bình thường, cha mẹ bé vì thế chủ quan không đưa con đi khám sớm. Đến tận ngày 20/10, bé M.A được đưa đến bệnh viện Nhi T.Ư, các bác sĩ phát hiện bé có khối u lớn ở buồng trứng, đồng thời chỉ định phẫu thuật nội soi mổ bóc tách khối u. Tuy nhiên, do phát hiện quá muộn, khối u đã quá lớn nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ một bên buồng trứng của bé M.A.
Trước đó, ngày 18/10, bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận cho bé L.P.L 11 tuổi ở Hà Nội có khối u buồng trứng bên trái đã bị xoắn. Do được phát hiện sớm, bé L. đã được cắt bỏ khối u bảo tồn buồng trứng, đồng thời được cố định buồng trứng bên phải.
Theo Ts Phạm Duy Hiền, phó trưởng khoa Ngoại, u buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới trưởng thành tuy nhiên các bé gái cũng có thể mắc.
Do không có biểu hiện điển hình nên khi được phát hiện u buồng trứng ở bé gái thường đã vào giai đoạn có biến chứng. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị. U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng: xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính. Xoắn cuống khối u thường gây đau bụng dữ dội, trong khi vỡ u gây đau bụng kèm dấu hiệu chảy máu bên trong.
Cũng theo TS Hiền, u buồng trứng nếu được phát hiện sớm, ít biến chứng có thể được bảo tồn toàn bộ buồng trứng hoặc bảo tồn một buồng trứng của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng được chỉ định khi có khối u ác tính hoặc buồng trứng bị xoắn nhiều.
TS Hiền khuyến cáo, khi bé gái xuất hiện các triệu chứng bụng lớn hơn bình thường, đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, sờ thấy khối u ở bụng… cần phải đưa trẻ đi khám ngay đề phòng diễn biến xấu.
Thạch Anh