Bệnh nhân 40 tuổi này qua đời do mắc bệnh não hiếm gặp có tên là Creutzfeldt-Jakob (CJD - bệnh bò điên ở người) hồi tháng 5 năm ngoái. Trước khi qua đời, ông này được các bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh và thậm chí phải nhập viện với các biểu hiện tâm thần nhiều lần trước khi bác sĩ phát hiện triệu chứng bệnh não hiếm gặp, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
Các chuyên gia cho hay, nguyên nhân nhiễm bệnh bò điên bắt nguồn từ việc ăn thịt bò nhiễm vi rút gây bệnh làm tổn thương não. Trong khi đó, có khoảng 200 trường hợp tại Anh mắc biến thể bệnh Creutzfeldt-Jakob do ăn thịt bò nhiễm xạ từ năm 1980 đến 1990.
|
Chụp cắt lớp phóng đại mô não cho thấy sự hiện diện của các mảng amyloid điển hình tìm thấy trong một trường hợp nhiễm bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD). |
Tại Mỹ, có 3 trường hợp mắc bệnh não hiếm gặp này, và các bệnh nhân đều đã sống tại Anh hoặc Arabia Saudi trước đó.
Ở trường hợp mắc bệnh gần đây, người đàn ông này chưa từng sống ở Anh hay bất kỳ nước nào đã có người bị nghi mắc bệnh não hiếm gặp do ăn thịt bò. Tuy nhiên, ông này từng sống ở Kuwait, Nga và Lebanon, những quốc gia nhập khẩu thịt bò từ Anh.
Cuối năm 2012, bệnh nhân này xuất hiện các triệu chứng như rối loạn tâm thần, co giật, không kiểm soát được phản xạ của mình...Ban đầu, các bác sĩ cho rằng ông bị trầm cảm kèm rối loạn tâm thần, nhưng mọi biện pháp chữa trị đều không thuyên giảm. Sau đó, họ nghi ngờ ông nhiễm bệnh não Creutzfeldt-Jakob nên đã tiến hành xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu và dịch não tủy.
Sinh thiết não phát hiện ông này nhiễm CJD. Nhưng các bác sĩ lo ngại sức khỏe bệnh nhân không phù hợp để phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân không thể qua khỏi. Xét nghiệm tử thi não xác nhận bệnh nhân 40 tuổi này nhiễm bệnh CJD.
Creutzfeldt - Jakob (CJD) là căn bệnh bí hiểm gây xốp não, khiến não hoạt động kém dần, có liên quan đến bệnh bò điên. Trước đây, CJD rất hiếm và chỉ gặp ở người cao tuổi nhưng nay đã gia tăng cả ở lứa tuổi trẻ cùng với sự phát triển của dịch bò điên. Đây là một bệnh nan y, hiện chưa được tìm hiểu kỹ và chưa có thuốc chữa. Việc chẩn đoán bệnh cũng khó khăn, thậm chí nhiều khi người ta chỉ có thể xác định được qua phẫu thuật não của tử thi.
Bệnh “bò điên” (Bovine Spongiform Encephalopathie, viết tắt là BSE) phát sinh từ nước Anh vào cuối thế kỷ 20, hiện cũng đã thấy xuất hiện ở một số nước khác. Mối lo bị lây bệnh từ thịt bò điên ám ảnh người tiêu dùng ngày một tăng, nhất là từ khi các nhà khoa học công bố đã phát hiện thấy sự liên quan giữa bệnh bò điên với bệnh CJD ở người.
Năm 1986, đã có gần 16 vạn con bò mắc bệnh bị giết, nhưng thịt của chúng vẫn được chế biến thành thịt hộp bán khắp nơi, mãi đến năm 1989 chính phủ Anh mới ra lệnh cấm hẳn. Vấn đề bò điên tạm lắng xuống cho đến năm 1994, khi dịch bò điên lại xuất hiện lớn hơn với 4,5 triệu con bò bị bệnh cùng với sự gia tăng bệnh “xốp não” CJD ở người tại Anh và một số nước Tây Âu.
Trước đây, các nhà khoa học Anh nói rằng bệnh bò điên không lây sang người. Nhưng công bố này không được người tiêu dùng chấp nhận vì trong thực tế, ở những nơi tiêu thụ thịt bò Anh đã có người mắc bệnh não nguy hiểm giống những con bò điên nước Anh. Sau khi các nhà khoa học xác nhận có sự liên quan giữa bệnh bò điên với bệnh CJD ở người và phát hiện 12 ca tử vong do CJD tại Anh.
Linh Chi (Theo Livescience)