Trong các tài liệu cổ của Đông y không có bệnh tăng huyết áp nhưng căn cứ vào biểu hiện lâm sàng mà được mô tả gần giống với các chứng “Huyễn vựng”.
Nguyên nhân sinh bệnh
“Huyễn vựng” được quan niệm về nguyên nhân sinh bệnh là do tinh thần, ăn uống không đúng, nội thương hư tổn. Tinh thần bị căng thẳng kéo dài, tính khí không được thư thái, lo nghĩ và tức giận thường xuyên, tạo ra những sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến chức năng “sơ tiết” của tạng can, làm cho can khí nội uất, lâu ngày thành hỏa, hỏa bốc lên trên gây ra nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt. Ăn quá nhiều các chất bổ, thức ăn béo ngọt, làm ảnh hưởng đến chức năng “vận hoá” của tỳ vị hoặc do lạm dụng nhiều rượu, bia, dẫn tới ứ đọng các chất đàm - thấp trong cơ thể, làm cho khí huyết kém lưu thông; bị bệnh lâu ngày hoặc do tuổi cao khiến cho âm dương mất thăng bằng.
Nên giảm ăn muối, chỉ ăn < 5g (một thìa cà phê)/ngày. Không lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, giảm ăn dầu/mỡ, các chất chứa nhiều cholesterol như bơ, lòng đỏ trứng, nội tạng... Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại rau đậu như mộc nhĩ, đậu hà lan, đậu xanh, rau cần tây, rau má, rau ngót... Giảm cân nặng nếu thừa cân. Nên có chế độ luyện tập, cần duy trì đều đặn thường xuyên ít nhất 30 – 40 phút/ngày.
Chú ý tự xoa bóp, tập khí công hoặc dưỡng sinh mỗi ngày. Cần thực hiện một chế độ sinh hoạt thoải mái, không làm việc căng thẳng. Thực hiện 4 không là “không lo, không giận, không sợ, không buồn”. Giữ nếp sống lành mạnh điều độ, tránh gió lạnh đột ngột, vì nhiễm lạnh làm huyết áp tăng cao đột ngột, dễ gây ra đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim...
|
Bài thuốc khắc tinh của bệnh tăng huyết áp. Ảnh minh họa. |
Các bài thuốc y phòng trị
Căn cứ vào các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, y học cổ truyền quy nạp chứng “Huyễn vựng”. Thường gặp các thể bệnh như thể can dương vượng, thể thận âm hư, thể đàm thấp, nếu thận dương hư...
Thể can dương vượng: Biểu hiện như nhức đầu, hoa mắt, ù tai, mặt đỏ, hay nóng nảy, cáu giận, ngủ kém, chất lưỡi đỏ, mạch huyền. Dùng bài thuốc “Thiên ma câu đằng ẩn gia giảm” gồm: Thiên ma 12g, câu đằng 12g, đỗ trọng 12g, tang ký sinh 12g, hoàng cầm 12g, ngưu tất 12g, chi tử, cúc hoa, bạch thược, hạ liên thảo đều 12g, hà thủ ô 12g, ích mẫu, thạch quyết minh đều 20g. Sắc uống mỗi ngày hoặc hai ngày 1 thang, chia làm 3 - 4 lần uống.
Thể thận âm hư: Bệnh nhân bị THA lâu ngày, mệt mỏi thường xuyên, đau lưng âm ỉ, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nặng đầu. Nếu thiên về dương hư thì bệnh nhân có cảm giác trong người ớn lạnh, tay chân không ấm. Lưỡi nhạt, mạch trẩn tế. Nếu thiên về âm hư thì trong người có cảm giác nóng, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi thon đỏ, mạch trầm huyền tế sắc. Dùng bài thuốc: “Kỷ cúc địa Hoàng gia vị” gồm: Câu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g, sinh địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù 10g, bạch linh 12g, đơn bì 12g, trạch tả 12g, địa cốt bì 12g. Gia giảm: Nếu đau đầu gia thạch quyết minh 12g, chóng mặt thêm thiên ma 10g, Ù tai thêm vị mẫu lệ 16 - 20g. Nếu đau lưng, mỏi gối nhiều thêm ngưu tất, đỗ trọng. Cách dùng sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 - 3 lần uống.
Nếu thận dương hư: Dùng bài “Hữu quy hoàn” gồm thục địa 250g, sơn thù 90g, sơn dược 120g, kỷ tử 120g, lộc giác giao 120g, thỏ ty tử 120g, đỗ trọng 120g, đương quy 90g, nhục quế 60g, phụ tử chế 60g. Cách dùng, tất cả các vị thuốc tán bột mịn, thục địa chưng nát thành cao, rồi luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn khoảng 15g, uống vào lúc đói, ngày 2 lần (sáng, chiều).
Thể đàm thấp: Thường gặp ở những người thể tạng mập, rối loạn lipit máu. Biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, cảm giác nặng nề đầy trướng bụng, ăn ít, dễ nôn, ngủ hay mê. Chất lưỡi bệu, rêu trắng nhớt, mạch nhu hoạt. Dùng bài thuốc “Bán hạ Thiên ma thang gia giảm” gồm: Bán hạ chế 12g, trần bì 8g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, thiên ma 8g, câu đằng 12g, thạch xương bồ 8g. Nếu nóng nhiệt thì gia thêm bối mẫu, trúc nhự, hoàng cầm.
Nếu theo dõi sau thời gian điều trị khoảng 15 ngày bằng các phương pháp y học cổ truyền mà huyết áp không giảm thì cần phải phối hợp thêm các thuốc tân dược hạ áp. Người bệnh cần duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt, ăn uống, giảm cân, rèn luyện thân thể và ổn định cảm xúc.
BSCK I Nguyễn Văn Nghị (Bệnh viện Y dược Cổ truyền Đồng Nai)