Mẹ thường làm gì khi con từ chối uống sữa?
Khi con ngán sữa, chuyện uống sữa trở thành “cuộc chiến” đầy cam go giữa mẹ và con, mẹ nỗ lực giúp con vui vẻ nạp năng lượng còn trẻ vẫn cương quyết lắc đầu và thanh minh cùng câu nói “con chán sữa lắm rồi!”. Đứng trước tình thế khó giải quyết này, không ít mẹ đã phải áp dụng nhiều “chiêu” khác nhau để bắt trẻ uống sữa.
Hứa hẹn: Mẹ đưa ra hứa hẹn như mua đồ chơi, quà vặt hay những điều vô lý khác… Khi trẻ không chịu uống sữa, việc này tạo cho trẻ thói ỷ lại hoặc xem đây như cơ hội để đưa ra những “yêu sách” của mình mỗi khi bị bắt uống sữa.
La mắng, quát tháo: Nhiều mẹ thừa nhận thường áp dụng cách này sau khi dùng lời ngon tiếng ngọt để nài ép con uống sữa nhưng không thành. Mẹ lớn tiếng la mắng, quát tháo sẽ tác động mạnh đến tâm lý trẻ dẫn đến hoảng sợ và vâng lời. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả trong những lần đầu vì lâu ngày trẻ dễ sinh tâm lý lỳ đòn. Ngoài ra, trẻ có thể bắt chước thái độ la mắng, quát tháo của người lớn để phản ứng lại khi tức giận.
So sánh: Mẹ thường so sánh con với anh chị em hoặc với bạn chung lớp… như một cách khuyến khích trẻ uống sữa. Khi áp dụng phương pháp này mẹ đã vô tình làm mất tình bạn giữa con với bạn bè cùng tuổi xung quanh, trẻ trở nên tự ti về bản thân, mất dần sự thân thiện và ít giao tiếp hơn.
|
Đâu là giải pháp giúp trẻ uống sữa chủ động mỗi ngày? Ảnh: IDP |
Tâm lý trẻ đằng sau chuyện ngán sữa
Một nghiên cứu về trẻ em đã khẳng định, những trẻ bị la mắng từ 2-3 lần trong một tuần sẽ có xu hướng chống đối quyết liệt, tự ti và dễ dàng rơi vào trầm cảm hơn những trẻ được nhắc nhở nhẹ nhàng. Ngoài ra, các chuyên gia
tâm lý cũng cho rằng, mặc dù những lần la mắng, áp dụng hình phạt của người lớn với trẻ đều có lý do, tuy nhiên, đây không phải là hình thức tối ưu để thuyết phục hay làm cho trẻ nghe lời mà ngược lại, càng khiến trẻ lì lợm và khó bảo hơn.
Đặt vào trường hợp con trẻ bị ngán sữa, mẹ cũng nên hiểu rằng sử dụng các hình phạt như la mắng, đánh đòn, so sánh … không mang đến hiệu quả tích cực lâu dài mà càng làm nặng thêm tâm lý chán sữa. Thêm vào đó, tình cảm gia đinh có thể bị sứt mẻ, nhất là hình ảnh của mẹ trong suy nghĩ của con trẻ. Ở giai đoạn từ 4- 11 tuổi, trẻ đã có nhận thức rõ ràng, biết đánh giá và cảm nhận mọi việc diễn ra hằng ngày nên cảm giác bị tổn thương trước những hình phạt, lời nói thiếu tôn trọng…trong lúc giận dữ của người lớn có thể để lại “vết thương” trong tâm lý của trẻ.
Khi trẻ ngán sữa không chỉ người lớn lo lắng, vất vả mà chính bản thân trẻ cũng đang chịu những tổn thương về mặt tâm lý trước ứng xử không khéo của người chăm sóc trực tiếp. Ngoài ra, khi trẻ “vấp” phải chuyện ngán sữa ba mẹ hoặc người lớn nên khuyến khích thay vì thúc ép, phạt đòn hay quát mắng… Nên dành cho trẻ một phần quyền quyết định về việc lựa chọn vị sữa mới thay thế khi ngán hoặc được từ chối trong vài trường hợp nhất định, đây như cách giúp trẻ thấy được vai trò của mình và dễ dàng hợp tác cùng cha mẹ để xây dựng thói quen uống sữa chủ động mỗi ngày.
Phương Hà