Trên ban thờ gia tộc là ảnh cụ Nguyễn Văn Vĩnh cắt tóc cao, vầng trán rộng cùng các bức ảnh vợ và các con cháu.
Thấy tôi cứ ngắm nghía các bức ảnh cùng đồ thờ, bộ bàn ghế cổ, ông Bình cười và cho biết: "Ông tôi có 3 người vợ. Cha tôi là người con thứ 8 và là của bà cả. Tổng cộng là 16 anh chị em - sử sách trước đây ghi sót mất một, đó cũng là lỗi của các cụ không nhắc nhở nên con cháu mãi gần đây mới hiểu".
Cụ Nguyễn Văn Vĩnh mất năm 1936 khi cha ông Bình tròn 15 tuổi nên những kỷ niệm về cụ được kể lại qua người cha của ông.
Ông Bình nói: "Cụ Vĩnh sinh năm 1882, quê gốc Hà Đông, từ nhỏ sống ở 46 Hàng Giấy. Cụ Vĩnh được cha cho đi chăn bò thuê ở bãi Long Biên và rất hay bị đòn vì tội mải chơi. Đến 8 tuổi cụ được vào làm chân kéo quạt cho trường Hậu Bổ (trường đào tạo những người học xong ra bổ nhiệm làm phiên dịch cho chính quyền thực dân Pháp ở đình Yên Phụ, phố Phó Đức Chính bây giờ).
Khi mới vào làm, các học viên trong lớp đã học sang năm thứ 2, nhiều người tỏ ra kém cỏi, không phúc đáp được thầy khi làm bài tập, cậu bé chăn bò Nguyễn Văn Vĩnh liền nhắc bài nên thường bị phạt.
Khi Vĩnh 10 tuổi thì lớp học mãn khóa. Thầy giáo người Pháp nhận thấy cậu bé Vĩnh thông minh bèn cho cùng thi tốt nghiệp với cả lớp và cậu đỗ thứ 12/40. 10 tuổi, bé quá không thể vào làm ở bất kỳ đâu, nhà trường quyết định cho học lại từ đầu!
Cậu về nhà xin cha cho đi học lại, cha Vĩnh quát: Một là đi kéo quạt, hai là tiếp tục chăn bò, tiền đâu mà học. Không thấy Vĩnh đến trường, thầy giáo Tây đến tận nhà mới biết sự thể và khẳng định:
Học không mất tiền! Vậy là cậu Vĩnh mới được đi học chính thức. Kết thúc 4 năm học, Vĩnh đỗ đầu bảng nhưng 14 tuổi không thể bổ nhiệm được.
"Sau, nhờ một nhân vật người Pháp xin nhà cầm quyền cho sử dụng, đưa cậu lên làm cho tòa sứ ở Lào Cai. Đây là một trường hợp hy hữu trong lịch sử Việt Nam, chi tiết này đã quyết định vận mệnh và cuộc đời của cậu sau này", ông Bình nói.
Do làm ở sở Tây nên cụ có nhiều sách báo để đọc, sau này cụ theo đuổi nghề báo chí dịch thuật và xuất bản - có lẽ cũng từ điểm xuất phát đó. Làm việc với người Pháp, nhưng cụ có tấm lòng đặc biệt với người dân Việt, luôn cổ súy cho việc dùng chữ Quốc ngữ bởi lẽ:
"Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ", vì thế đôi ghế tràng kỷ cụ cho thuê thợ mộc thể hiện bằng chữ Quốc ngữ với những câu chuyện của La Fontaine.
Ông Bình cho biết, năm 1979 người bác dâu là bà Nguyễn Giang - con dâu thứ hai của cụ Vĩnh chuyển vào Nam sinh sống đã đồng ý nhượng cho người hàng xóm đôi ghế này.
Biết tin, ông Bình đã đến và xin chuộc lại đôi ghế để giữ làm kỷ niệm. Đôi ghế có chữ ký của cụ Vĩnh được sử dụng gần 100 năm đã nhuốm màu thời gian nhưng những nét chạm, nét khắc tinh tế, sắc nét được đánh giá là đôi ghế cổ duy nhất ở Việt Nam có xuất xứ rõ ràng và có nội dung bằng tiếng Việt.