Tục cúng lạ ở “nhà tù ma” Tiên Yên

Google News

(Kiến Thức) - Người dân từng chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy cùng tội ác của kẻ thù đã làm lễ cúng những vong hồn còn vất vưởng nơi đầu sông cuối bãi.

Vào ngày rằm, lễ, Tết hằng tháng, hằng năm, bên cạnh mâm cỗ cúng tổ tiên một số ít hộ dân ở Khe Tù còn làm một mâm cỗ khác để cúng linh hồn những người bị thực dân Pháp giết hại tại đây.
Tục cúng kỳ lạ
Năm 1949, Khe Tù được giải phóng, một số người dân đã từng chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy cùng tội ác của kẻ thù ở nơi đây đã làm lễ cúng những vong hồn còn vất vưởng nơi đầu sông cuối bãi. Kể từ đó, phong tục này trở thành thông lệ không thể thiếu trong mỗi ngày rằm, lễ, Tết.
Ông Lương Quốc Chung - một trong số ít hộ dân còn giữ truyền thống cúng vong hồn ở Khe Tù kể lại: "Vào ngày lễ hằng tháng, hằng năm, ngoài mâm cỗ dành cho gia tiên, tôi còn làm một mâm cỗ khác để cúng vong hồn của những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì nước. Nhà có thứ gì tôi cúng thứ nấy. Ví dụ, cúng gia tiên bằng hoa quả, xôi gà, oản... thì tôi cũng cúng những chiến sĩ cách mạng bằng những thứ đồ tương tự".
Điều đặc biệt là ông Chung cùng một số người dân địa phương không lập ban thờ những chiến sĩ cách mạng. Khi làm cỗ cúng, ông thường đem mâm cỗ ra mảnh đất trống trước cửa nhà thắp hương gọi hồn các chiến sĩ về và cầu mong cho linh hồn của họ được siêu thoát.
Hiện gia đình ông Chung là một trong số ít gia đình có thông lệ cúng lạ ở Khe Tù. 
Ngoài gia đình ông Chung thì ở Tiên Yên còn có gia đình chị Nguyễn Thị Sợi cũng có phong tục tương tự. Mặc dù là thế hệ sinh sau đẻ muộn, thế nhưng chị được cha mẹ căn dặn phải coi những người đã hy sinh vì đất nước như tổ tiên, anh em ruột thịt, vì thế nên hễ cúng tổ tiên ngày nào thì phải cúng các chiến sĩ cách mạng ngày đó. Lễ cúng cũng không được phân biệt đối xử mà phải như nhau.
Những ngày đi tìm nhân chứng quanh Khe Tù, chúng tôi còn được người dân tiết lộ cho nghe một tục lệ gắn liền với mảnh đất này suốt hơn nửa thế kỷ. Đó là việc mỗi khi có thân nhân đi qua khu vực này sau đó về ốm thì phải làm lễ gọi vía của người đó về nhà.
Ông Chung cho biết: "Có người ở tít tận Móng Cái sau khi đến Khe Tù về thì bị ốm nặng. Người nhà đã chạy chữa thuốc thang, thậm chí đưa đi bệnh viện nhưng không khỏi ốm. Sau đó người thân phải làm một mâm cỗ đến Khe Tù cúng những vong hồn ở đây để "đòi lại" vía của người thân về. Sau đó ít lâu, người bệnh khỏi hẳn mà không phải chữa trị phức tạp".
Cỗ cúng ở Khe Tù thường được để ở trước cửa nhà. 
Di tích cần được bảo vệ
Theo ông Vi Văn Nam, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tiên Yên thì nhiều điểm nằm trong di tích đã bị hư hỏng nặng. Những địa điểm như bệ đá chặt đầu, lưỡi dao chém... đã bị phá hỏng từ thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc. "Nghe nói hồi đó lưỡi dao và bệ đá còn nguyên vẹn, thế nhưng người dân đã tháo máy chém ra để bán sắt vụn. Sau này khi chúng tôi đi tìm lại nhưng không thấy nữa", ông Nam cho biết.
Ngoài máy chém, ở Khe Tù còn một sân bay quân sự được thực dân Pháp xây dựng năm 1943 nhằm biến Khe Tù thành căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Đông Bắc. Tham vọng này là có cơ sở bởi từ Khe Tù có thể dễ dàng điều quân tiếp ứng rất thuận lợi bằng cả đường thủy thông ra Vịnh Bắc Bộ, đường bộ và đường không. Tuy nhiên, đến nay sân bay Khe Tù không còn tồn tại nữa. Dấu tích còn lại là nền móng sở chỉ huy, móng nhà tù còn nằm lẫn trong cỏ hoang...
Nhà thương là chứng tích còn tương đối nguyên vẹn nằm trong khu di tích Khe Tù. 
Cũng theo ông Nam thì dấu tích quý giá nhất của khu di tích này đó là khu vực nhà thương. Đây là nơi thực dân Pháp xây dựng lên để phục vụ khám chữa bệnh cho binh lính sau những trận xung đột ác liệt với quân đội Việt Minh. Sau này, khi chiếm được Khe Tù, hệ thống nhà thương tiếp tục được quân ta sử dụng làm bệnh viện để phục vụ công tác chữa bệnh cho thương binh và thường dân. Khi chiến tranh kết thúc, nơi này không còn được sử dụng nữa và bị bỏ hoang. Đến nay, gần như toàn bộ hệ thống nhà thương còn giữ được nguyên vẹn.
Mặc dù Khe Tù là nơi ghi lại dấu tích về tội ác của thực dân Pháp một thời đô hộ đất nước ta, nhưng hiện nay nơi này vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Theo Nhà Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thì việc thờ cúng ở Khe Tù là nét văn hóa cổ xưa của người Việt. Lý giải về lệ cúng kỳ lạ ở Khe Tù có 2 cội nguồn chính. Thứ nhất, đó là quan niệm về thờ đá của người Việt cổ, con người sinh ra từ đá thì chết hóa thành đá, vì vậy, những người chết đường chết chợ hoặc người chết vô thừa nhận thường được người đi đường ném vào đó vài hòn đá hoặc một đống đá để cầu mong cho linh hồn siêu thoát. Thứ hai là sự cộng hưởng giữa quan niệm thờ đá với tư tưởng của Phật Giáo. Họ đặt những viên đá xung quanh ngôi mộ, xếp thành cồn đá... gọi là mộ ăn mày. Nhà Phật quan niệm, ném đá vào mộ là việc làm công đức, đánh dấu chỗ mà một người đã chết và cầu mong cho linh hồn họ siêu thoát.
Ở Việt Nam khoảng sau năm 1975 xuất hiện hiện tượng người dân dựng miếu cúng những linh hồn vất vưởng. "Tôi cho rằng chỉ nên duy trì phong tục ném đá vào mộ rồi thắp nén nhang ở những nơi có người chết chứ không nên dựng miếu mạo như một nghi thức thông thường gây tốn kém".
Quách Dương