Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đều trầm trồ ngắm nhìn những tấm bia Tiến sĩ, gắn với con rùa bằng đá.
Tại sao bia đá lại được đặt trên lưng rùa?
Trong khuôn viên của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một khu vườn từ Khuê Văn Các đến cửa Đại Thành, gọi là vườn bia đá Tiến sĩ. Sát bờ hồ Thiên Quang Tỉnh là lối đi và những dãy bia đá trang nghiêm, cổ kính dựng thành hai khu Đông và Tây. Mỗi khu chứa hai dãy bia đá, tất cả gồm 82 tấm bia ghi tên họ quê quán của những người đã đỗ Tiến sĩ triều Lê.
Chú rùa cõng trên mình tấm bia Tiến sĩ, nó đã trở thành biểu tượng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. GS Phan Huy Lê cho biết: Hình ảnh con rùa vốn rất gần gũi trong đời sống người Việt Nam. Trong các bàn thờ thờ Thành hoàng làng hình ảnh con rùa và con hạc thường uy nghi đứng hai bên như một vật biểu linh cho tinh thần, sức mạnh của dân tộc. Có lẽ vì thế vua quan thời Lê cũng đã lấy hình tượng con rùa để gắn liền với bia Tiến sĩ.
|
Cổng chính Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Cũng theo GS Phan Huy Lê, trong quan niệm của người Á Đông, rùa được xem là biểu tượng của vũ trụ. Mai rùa tượng trưng cho bầu trời, còn bụng rùa tượng trưng cho mặt đất. Ở nước ta, con rùa có vị trí rất đặc biệt từ thời An Dương Vương xây thành ốc Cổ Loa tại Đông Anh, Hà Nội. Xưa kia, An Dương Vương cho quân lính xây thành nhiều lần, nhưng cứ xây xong thành lại bị đổ mà không biết nguyên do gì. Sau này thần rùa Kim Quy xuất hiện đã giúp cho An Dương Vương xây dựng thành công thành Cổ Loa. Sau này rùa thần trao cho An Dương Vương một chiếc nỏ thần có thể bắn một lần trăm phát, đánh trăm trận trăm thắng.
Theo truyền thuyết kể về Lê Lợi sau khi đánh thắng giặc Minh nhờ thanh kiếm thần, một hôm đi dạo thuyền chơi trên hồ Tả Vọng, Long vương đã cho rùa thần lên đòi lại kiếm. Từ đó hồ Tả Vọng có tên là hồ Hoàn Kiếm. Như vậy, việc đặt bia Tiến sĩ trên lưng rùa không chỉ thể hiện cho sự trường tồn bất diệt của thời gian mà nó còn có ý nghĩa linh thiêng.
|
Rùa đá đội bia Tiến sĩ bị du khách sờ nhẵn đầu. |
Đá làm bia được lấy từ Thanh Hóa
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho biết, việc chạm khắc bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thực hiện rất công phu, có giá trị lớn về nghệ thuật điêu khắc. Công việc thường do các quan Thượng thư, Tham tri bộ Lễ đích thân trông nom. Việc chọn đá, tuyển thợ khắc do bộ Công đảm nhiệm. Loại đá thanh (đá vôi mịn) có kết cấu vững chắc, có sức chịu đựng phong hóa, dùng tạc bia chủ yếu được lấy từ núi đá làng An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đá ở núi đá này nổi tiếng từ lâu đời đã được dùng vào các công trình điêu khắc bia, khánh tượng đời Lý. Người đương thời đã từng ca ngợi: "Ở phía Tây Nam của huyện Đông Sơn có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sẵn nhiều đá đẹp là tài sản quý giá của nhà nước. Loại đá này óng ánh như thạch lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này người ta tạc đá ấy làm khí cụ như tạc thành khánh đá, đánh lên tiếng ngân muôn dặm; hoặc dùng làm bia để lại muôn đời" (Chu Văn Thường - An Hoạch sơn Báo ân tự bi ký).
|
Du khách nước ngoài rất quan tâm tới bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám . |
Có giả thiết rằng, từ núi đá An Hoạch vua quan nhà Lê đã cho lính dùng ngựa để vận chuyển đá ra bờ sông Mã đóng thuyền chở về Thăng Long. Từ bờ sông Mã, quân lính sẽ ngược về sông Hồng, chuyển đá về Văn Miếu để dựng bia.
Đại Cát