Trên mảnh đất hai vua (Thọ Xuân, Thanh Hóa) có khá nhiều địa danh, di tích gắn liền với các điển tích huyền bí phò vua dựng nước. Gắn liền với công trạng của Lê Lợi để lập nên nhà Hậu Lê thịnh vượng không thể không nhắc đến những câu chuyện xung quanh đền Ngọc Lan, nơi dân gian quen gọi là trạm tiền tiêu chiến lược của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày ấy.
|
Đền Ngọc Lan. |
Đền thiêng... đền thơm
Đền Ngọc Lan thuộc quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh (căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn) cách TP.Thanh Hoá 51km về phía Tây Bắc, thuộc xã Xuân Lam- huyện Thọ Xuân, được bộ Văn hoá Thông tin (cũ) xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1962. Đền hiện thờ Công chúa Ngọc Lan và bảy vị Công thần Khai quốc của nhà Lê.
Đền được cho là có một vị trí đắc địa, hài hòa âm dương. Phía trước cửa đền là dòng sông Đào nhà Hậu Lê hiền hòa uốn lượn chảy qua, phía sau lưng đền là dãy núi Mục (Mắt Rồng) với thế rồng chầu, đặc biệt là đỉnh ngọn núi cao nhất mang hình đầu rồng đang ngửa đầu lên trời phun nước. Đây đồng thời cũng là vị trí thắt nút chiến lược nối liền miền xuôi với các tỉnh phía Tây Thanh Hóa thuở trước.
Cả ngôi đền và cây Ngọc Lan không nằm ở mặt đất bình thường. Cả một khu phố bằng phẳng chỉ có duy nhất móng ngôi đền cao vọt lên 3m, nhưng đây hoàn toàn do yếu tố tự nhiên chứ không có sự tác động tôn tạo của con người. Vì ngôi đền được tọa lạc ngay dưới chân gốc Ngọc Lan cổ thụ đã mấy trăm năm tuổi. Các bậc cao niên trong khu vực đều khẳng định: Từ khi họ còn bé đã theo chân ông bà tới đó lễ lạt cúng bái, nền đất của khuôn viên đền cao khác thường như vậy đã có suốt nhiều thế kỷ rồi.
Ngôi đền vốn đã nhỏ, nhưng lại càng trở nên khiêm nhường hơn dưới bóng cây Ngọc Lan cổ thụ. Cây cao gần 30m, phủ bóng rợp mát một vùng, một trong những cây Ngọc Lan khổng lồ nhất mà tôi được nhìn thấy ở Việt Nam. Tuổi nó nhiều đến mức đã sản sinh ra những thế hệ con cháu cao lừng lững bao bọc ngôi đền.
Chính vì vậy mà ngôi đền này còn được biết tới với một tên gọi khác là Đền Thơm. Khi mùa Vu Lan tới cũng là lúc những cánh hoa Ngọc Lan màu trắng khẽ bung nở, mùi hương dịu ngọt tỏa khắp một vùng. Đền Thơm được tương truyền rất thiêng nên mồng 1, ngày rằm người dân đều nô nức kéo nhau tới làm lễ.
Ông Từ Cần, nhà ở khu 1 thị trấn Lam Sơn, người 30 năm trông coi đền mách nhỏ: "Khách tới nhiều lắm nhưng chẳng ai dám tơ tưởng sẽ ngắt một chùm hoa, hái một cái lá cây Ngọc Lan đem về. Đừng tham của Giời, kẻo các cụ phạt cho đấy!". Ông kể, ngày trước cách đây khoảng 20 năm, có một người phụ nữ ở trong xã Xuân Phú đi ngang qua, sau khi hít hà hương hoa đã cả gan ngắt một cành hoa mang về. Vài tuần sau chị ta bỗng hóa điên, khám ở nhiều viện khác nhau nhưng mãi không biết nguyên nhân từ đâu. Nhiều lần chính quyền xã muốn tỉa bớt cành lá xòe ra đường nhưng không thể chặt nổi do máy móc gặp vấn đề, hoặc thợ gặp tai nạn... Có khá nhiều câu chuyện ly kỳ khác được các cụ kể để răn con cháu mình không được mạo phạm tới sự tôn nghiêm của đền.
"Đền thiêng lắm! Nếu mình thành tâm và không làm gì tai ác thì dễ được Mẫu (tức Công chúa Ngọc Lan được thờ trong đền - PV) phù hộ lắm", chị Tĩnh, một người hay đi lễ ở đây chia sẻ. Chị còn cho biết thêm, để giảm stress cho các con trong những mùa thi, chị thường đưa con đến đền…
Thực hư đền thiêng phò vua cứu nước
Theo tâm linh, đền Ngọc Lan có tên là đền Trình. Xưa, đây là con đường duy nhất để thông thương giữa miền xuôi lên miền ngược, Thanh Hóa thuở ấy còn nhiều thú dữ, rừng gai rậm rịt thâm u, núi sông hiểm ác nên lộ trình thường rất gian nan. Đền Ngọc Lan nằm chính giữa ranh giới của một bên là đồng bằng, một bên là núi. Để đi đường an lành, vạn sự thành công ai ai cũng tạt vào đền thắp hương cầu xin thánh thần bảo hộ cho mình.
Ông Từ Cần cho hay: Sở dĩ ngôi đền nằm cách xa khu di tích như vậy mà vẫn được đưa vào quần thể di tích cần được bảo vệ vì nhiều thế hệ người dân bản địa cho rằng thời Lê Lợi khởi binh đây chính là một trạm canh gác đa năng. Trạm canh được chủ tướng Lê Lợi giao cho một thôn nữ tài trí mưu lược, sắc nước hương trời, trẻ trung xinh đẹp làm chủ.
Trọng trách của cô chủ điếm canh này là ngày đêm giả làm hàng nước dưới gốc cây Ngọc Lan, cười nói lả lướt với khách đi đường để che mắt quân Minh. Nơi này vừa là trạm tin thăm dò các hoạt động của quân giặc để bẩm báo cho nghĩa quân Lam Sơn có những biện pháp đối phó phù hợp, vừa là địa điểm bí mật lựa chọn tuyển mộ binh lính, trai tráng trong vùng cho chủ tướng Lê Lợi. Với mắt nhìn người sắc sảo, sơn nữ ấy đã giúp Lê Lợi có những người tôi trung thành, giỏi binh nghiệp để làm nên chiến thắng cuối cùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Sau này khi binh sỹ lớn mạnh, cô được Lê Lợi giao cho làm chỉ huy một toán lính chiến đấu rất gan dạ và hy sinh. Tương truyền sau khi cô chết đi, để tỏ lòng nhớ ơn về công trạng thuở trước nên vua Lê Thái Tổ đã sắc phong cô thành Công chúa Ngọc Lan, được lập đền thờ ngay ở cửa ngõ cung điện Lam Kinh để ngày ngày hương khói. Đồng thời cũng chính nơi đây vua Lê cũng đặt bàn thờ bảy vị Khai quốc Công thần của nhà Lê: Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Lý, Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng.
Trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết khác kể rằng, thời Pháp thuộc chúng bắt phu phen ở đây đào một con sông dẫn nước từ đập Bái Thượng xuống các xã dưới xuôi để tưới tiêu. Khi đào tới đoạn có cây Ngọc Lan thì không thể đào tiếp vì cứ đêm tới là lũ lượt các phiến đá lại nổi lên. Điều này khiến cho nhiều kỹ sư Pháp đau đầu, nhưng không sao lý giải và tìm ra cách khắc phục được.
Một hôm ông kỹ sư người Pháp ra Hà Nội xin ý kiến của cấp trên, trong khi ngủ mơ ông thấy giữa dòng sông đang đào dở nổi lên một con trâu trắng và một cô gái mặc quần áo trắng cứ dập dềnh trên mặt nước. Cho là điềm linh thiêng, ông đã quay trở lại, đi đến xã Thọ Lâm thì ông bị lạc ở rừng Lim. Trong đêm tối, ông nhìn thấy một vệt ánh sáng le lói phía trước, nhìn kỹ thì hóa ra đó là một cái am nhỏ. Hôm sau, ông quay trở lại, thắp hương rồi nhờ người di chuyển am về gốc cây Ngọc Lan. Kể từ đó việc đào sông diễn ra trôi chảy và sau này được đặt tên là dòng sông Chu (Sông Trâu).
Giấc mơ của ông kỹ sư người Pháp về cô gái bí ẩn cũng được không ít người tin rằng đó chính là sự hiện thân của Công chúa Ngọc Lan, người con gái khi còn sống cũng như lúc đã thác đều một lòng một dạ vì nhà Lê báo đáp, không cho giặc Pháp đụng tới chốn linh thiêng...
Là một phần quan trọng của khu di tích lịch sử Lam Rinh
"Dựa trên tài liệu căn cứ xếp hạng và nhất là dựa theo đối tượng chính được thờ cúng trong các điện của đền thì ngôi đền có nhiều căn cứ liên quan tới nghĩa quân Lam Sơn, là một phần quan trọng của khu di tích lịch sử Lam Kinh" - ông Từ Cần nhận định.
Theo Đời sống & Pháp luật