Điều đặc biệt là cây nỏ này có thể bắn ra mũi tên với lực mạnh gấp đôi so với súng trường tấn công hiện đại.
Giới sử gia và khảo cổ đặc biệt quan tâm tới loại nỏ được dùng trong đời Tần (221-207 trước Công nguyên). Phát hiện mới đặc biệt có ý nghĩa, bởi các chuyên gia tin rằng cây nỏ nắm giữ bí quyết thành công chiến trận của Tần Thủy Hoàng.
Theo các chuyên gia, cây nỏ vừa được phát hiện có chiều dài khoảng 1,3m, có thể bắn mũi tên xa tới 800m.
Chiến thắng chủ yếu nhờ những cây nỏ
Shen Maosheng, nhà khoa học tham gia dự án khai quật, nói với tờ Chinese Business View rằng việc tìm thấy cây nỏ khiến các nhà khảo cổ rất hứng thú. Trước đó các cây nỏ được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ đội quân đất nung ở Tây An, Trung Quốc, đều bị hư hỏng nặng.
Các nhà nghiên cứu, vì thế, khó ước tính được hiệu quả và sức mạnh của loại vũ khí này. Tuy nhiên, cây nỏ mới được tìm thấy vẫn còn khá nguyên vẹn, gồm những bộ phận hiếm như được ghi lại trong các tư liệu lịch sử.
|
Cây nỏ mới được tìm thấy tại di chỉ đội quân đất nung ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng. |
Trong quá trình tiếp theo, các nhà khảo cổ sẽ thận trọng khai quật cây nỏ này, hiện vẫn còn một nửa thân chôn sâu dưới đất và ở trong tình trạng rất dễ vỡ. Sau khi hoàn tất công việc khai quật, các nhà nghiên cứu hy vọng họ sẽ có thể làm một bản sao của cây nỏ, với đúng mẫu thiết kế và chất liệu người xưa đã dùng để làm ra cây nỏ gốc.
Cây nỏ mới sẽ được đưa đi thử nghiệm để xác định sức mạnh, tầm bắn của nó. Mặc dù cây nỏ mới có thể không phải là thứ vũ khí mạnh nhất được quân đội đời Tần sử dụng, nhưng nó sẽ giúp làm sáng tỏ về những tiến bộ kỹ thuật ở thời đó.
Nỏ là vũ khí được nhắc đến tại nhiều tư liệu lịch sử cổ, trong đó nêu rằng các chiến thắng của quân Tần phần lớn dựa vào việc sử dụng nỏ. Thứ vũ khí này có thể bắn mũi tên ở khoảng cách xa, khiến kẻ thù thương vong rất nhiều.
Nhưng việc các cây nỏ dưới thời Tần có thể bắn mũi tên ở độ xa chính xác là bao nhiêu vẫn gây tranh cãi. Tư liệu lịch sử ghi rằng tên có thể bay xa tới 800m hoặc hơn. Song nhiều chuyên đã nghi ngờ về con số này. Họ hy vọng phát hiện mới có thể dập tắt được tranh cãi.
Cây nỏ mới còn giúp giải thích việc vũ khí được vận chuyển và cất giữ như thế nào khi không sử dụng. “Chúng tôi tin rằng không chỉ có đời Tần mà có lẽ toàn bộ thời Chiến quốc đều có một hệ thống sản xuất, cất giữ và vận chuyển vũ khí rất hoàn thiện” – ông Shen Maosheng nói.
|
Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. |
Chưa dám khai quật nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng
Tần Thủy Hoàng được mai táng cách đây hơn 2000 năm. Trong các món đồ được chôn theo Tần Thủy Hoàng có 8.000 bức tượng chiến binh đất nung, to bằng người thật, được xếp theo nhóm, cùng nhiều quan cận thần, cung nữ và người hầu. Các bức tượng được tạo ra để bảo vệ và phục vụ Tần Thủy Hoàng ở thế giới bên kia.
Bức tượng đất nung đầu tiên được các nông dân tình cờ phát lộ trong khi đang đào giếng ở gần Tây An. Từ đó đến nay đã có 7.000 bức tượng chiến binh, ngựa và xe ngựa đã được tìm thấy. Di chỉ này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tuy nhiên, nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được khai quật. Giới chức Trung Quốc lo ngại di sản quý giá trong lăng mộ của ông có thể bị hư hại do các phương thức khai quật hiện nay.
Tương truyền rằng Tần Thủy Hoàng đã chuẩn bị rất nhiều bẫy treo nguy hiểm trong lăng mộ của mình, bên cạnh các hào chứa thủy ngân, để chống lại những kẻ dám cả gan xâm phạm nơi ông yên nghỉ.
Theo Việt Lâm/Thể thao & Văn hóa