Đó là di chỉ Đàn Tế Trời, nằm ngay trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long...
|
Di chỉ Đàn Tế Trời, nằm ngay trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long - lần đầu tiên được công bố. (Ảnh minh họa).
|
Trong buổi Tọa đàm trao đổi xung quanh bộ sách "Lịch sử Thăng Long – Hà Nội", tại Hội chợ sách Hà Nội 2014 ngày 27/9, GS sử học Phan Huy Lê đã tiết lộ một thông tin mà chính ông khẳng định chưa từng công bố: Hà Nội mới phát hiện một di tích mới vô cùng độc đáo và có giá trị khoa học, lịch sử quan trọng bậc nhất. Đó là di chỉ Đàn Tế Trời, nằm ngay trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long, tại vị trí chân tòa nhà Quốc Hội mới (khu vực ban đầu dự kiến làm hầm để xe của tòa nhà-PV) đang xây dựng.
Theo GS Phan Huy Lê, Đàn Tế Trời được xây dựng vào đời nhà Lý, có trước cả Đàn Xã Tắc (được xây dựng năm 1048), với kiến trúc vô cùng đặc biệt và được coi là "kỳ lạ" (từ dùng của GS Phan Huy Lê –PV) gồm 2 vòng tròn đồng tâm chưa từng thấy ở nước nào trên thế giới, ngay cả ở Trung Quốc, Đông Á – những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam.
GS Phan Huy Lê cho biết, ngay sau khi phát hiện và báo cáo với Chính phủ, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã 3 lần trực tiếp đến xem xét và quyết định dành 500 m2 khu tầng hầm tòa nhà Quốc hội – nơi phát hiện di chỉ để bảo tồn nguyên vẹn; giao cho các nhà khoa học lịch sử tiếp tục nghiên cứu. Khu vực bãi đỗ xe của tòa nhà sẽ được bố trí ra nơi khác để đảm bảo tính nguyên vẹn của di tích linh thiêng bậc nhất của kinh thành Thăng Long-Hà Nội này.
"Cùng với Đàn Xã Tắc (khu vực ngã năm Kim Liên – Nguyễn Lương Bằng); Đàn Nam Giao (khu vực phố Bà Triệu) thì Đàn Tế Trời được coi là phát hiện lịch sử có giá trị khoa học vô cùng quan trọng. Di tích đã bổ sung thêm những dữ liệu quan trọng về khoa học lịch sử vương triều nhà Lý – triều đại chính thức đặt đô tại Thăng Long, mở ra giai đoạn 1000 năm xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời bổ sung thêm vào kho di tích khảo cổ đậm đặc dưới lòng đất Hà Nội kinh kỳ đang chờ các nhà khoa học khám phá thời gian tới...", GS Phan Huy Lê chia sẻ thêm.
Được biết, hình thức Đàn Tế trời đất cũng đã có ở Việt Nam sau này như Đàn Tế trời đất tại Bình Định; Đàn Nam Giao ở Huế. Tuy nhiên, chỉ riêng tại Hà Nội có đủ cả Đàn Tế Trời; Đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc đều được xây dựng ngay đầu thế kỷ 11, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của Việt Nam. Đồng thời, với kiến trúc đặc biệt của Đàn Tế Trời tại Hà Nội – đây được coi là thách thức lịch sử có vô cùng ý nghĩa chờ các khoa học khám phá và giải mã...
Theo Việt Hoàng/Infonet