Những “đồ xưa có ma“: Vụ đào mộ “động trời“

Google News

(Kiến Thức) - Ở tuổi 90, cụ Vương đã khóc khi hay tin lăng mộ của Hoàng thái hậu Từ Dũ tại Huế bị kẻ trộm đào tìm đồ xưa, dẫn đến việc nấu chảy những báu vật lấy lên từ đáy mộ... 

Hồn Thái hậu chứng giám!

Trong số di cảo cụ Vương để lại có 8 trang dày đặc ghi những bức xúc đau buồn của cụ về vụ đào trộm lăng mộ bà Từ Dũ gần 30 năm trước. Cụ khóc trước hết vì bà Từ Dũ là bậc mẫu nghi thiên hạ, một người được nhà Nguyễn cũng như dân chúng đương thời kính trọng bởi sức lan tỏa của lòng nhân ái và đức độ của bà. 

Là người đẹp sinh ra ở gò Sơn Quy (nơi có thế phong thủy cát tường trên đất Gò Công, Tiền Giang mà tên gọi ấy do vua Tự Đức đặt), được Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long) tấn cung năm 14 tuổi để hầu hoàng trưởng tử Miên Tông. Những ngày vui qua mau và tiếp đến là những ngày buồn dằng dặc khi bà phải khóc chồng qua đời (vua Thiệu Trị), khóc con trai duy nhất mất trước bà (vua Tự Đức). 

Một chuỗi dài những cảnh tang thương diễn ra khiến bà "Khóc chạy loạn buổi binh Pháp xâm nhập cung nội, khóc từ giã vua trẻ Hàm Nghi, khóc các vua non Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Đồng Khánh... Nước mắt có bao nhiêu cũng không đủ chảy cho cảnh ngộ đau thương của bà". Cụ Vương viết tiếp: "Khi áo quan đã đậy, xác bà chôn vùi đã ngót gần trăm năm (bà mất 1902), lăng mộ bị đào trộm, xác linh bị phạm, trang sức quý giá bị thủ tiêu, nấu chảy, tôi biết lấy lời nào để ghi lại sự sơ hở của chúng ta ngày nay, hồn linh thái hậu xin chứng giám!". 

Vụ đào mộ trên xảy ra năm 1983, xử chung thẩm 1988 - 1989, được thông tin qua bài điều tra của Nguyễn Đắc Xuân. Bài đăng trên Báo Lao Động ngày 29/4/1990, sáng hôm sau, một bạn trẻ đến nhà cụ xin thưởng ngoạn những cổ vật quý hiếm trong bộ sưu tập của cụ Vương nhân tiện bạn ấy đã mang theo bài báo đưa cụ. "Tôi đọc bài này mà nước mắt cứ tuôn... và tự trách sống làm chi để nghe thấy những việc thương tâm như vậy", cụ Vương viết. 

Điếu thuốc lào Viên Long (8 cạnh) vẽ 8 con rồng uốn tròn trong mây. 

Khóc cho tuổi già vô dụng

Rồi ngay hôm ấy, cụ viết một bài khá dài: "Khóc cho tuổi già vô dụng" nhắc lại nguyên văn một đoạn của Nguyễn Đắc Xuân viết: "Những báu vật bị hành quyết: thực hiện quyết định của Tòa án Tối cao tổ chức hội đồng hóa nghiệm (không có đại diện cơ quan văn hóa) - cụ Vương giải thích: "Hóa nghiệm, theo tôi hiểu là nấu chảy nữ trang vô giá, chỉ lấy vàng nguyên chất để tiện thu nạp vào kho Nhà nước... bất chấp vàng ấy là nữ trang trong Đại nội do thợ khéo đời thế kỷ XIX để lại, cũng như những vật ấy do bọn trộm đào mộ lấy trong lăng của bà hoàng thái hậu Từ Dũ. Sển này, chỉ khóc cho tuổi già bất lực, không muốn sống để thấy việc trái cựa như vậy nữa...". 

Kết quả hóa nghiệm đã thu được: "Vàng 13 lượng 9 chỉ 5 phân, Bạc 0,010kg, Ngọc 1.890 cara. Tất cả số vật chất này đưa qua công ty vàng bạc bán được 23.326.122đ (thời giá lúc đó 2.300.700đ/1 lượng). Số vàng ngọc bị rỗ, có cái bán 4.000đ, có cái chỉ bán được 2.000đ (tương đương 1 lon bia). Lấy số tròn là 23.300.000đ..." (Nguyễn Đắc Xuân). 
 
Mặt trước (ảnh trên) và sau của đĩa sứ ký kiểu thời vua Thiệu Trị
(chồng bà hoàng Từ Dũ). 

Cụ Vương bộc bạch: "Đọc đến đây lòng tôi bị cảm kích quá độ, tôi khóc ngay hay là nước mắt cứ tuôn trào, xin độc giả niệm tình dung thứ để trích ra đây đoạn cuối của bài anh học trò cũ Nguyễn Đắc Xuân...". Rồi cụ trích: "Dưới con mắt của người làm văn hóa thì đó là một thiệt hại không thể nào bù đắp được - những báu vật ấy góp phần biểu thị cho nền văn hóa vật chất của dân tộc ta thế kỷ XIX, là những báu vật vô giá".

Ở góc độ nhân văn thì "Đó là một sự xúc phạm thô bạo tài năng của người nghệ sĩ, của người thợ làm nên tác phẩm để đời, đã không được tôn trọng bằng vàng", nghĩa là xem giá trị các báu vật của tiền nhân để lại kém thua trị giá của vàng thời nay, nên đã nấu chảy ra vàng để tiện gửi ngân hàng? Dấu hỏi không lời đáp và cụ thẫn thờ nói một mình: "Buồn quá Xuân ơi...".
(còn nữa)
Giao Hưởng