Ngọc phả Hùng Vương: Chi tiết khác về Trọng Thủy - Mỵ Châu

Google News

(Kiến Thức) - Theo Ngọc phả Hùng Vương, lúc đầu Trọng Thủy sang với triều đình An Vương chỉ như một người dân bình thường, chứ không phải tự nhận là con Triệu Đà.

Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán

Tản Viên bèn dẫn binh mã thẳng đến Loa Thành, dàn quân đối trận với Thục Vương để khuếch trương thanh thế. Mấy hôm sau, Tản Viên khuyên Hùng Vương: "Họ Hùng hưởng nước kể cũng đã lâu dài. Lòng trời ắt có hạn, khiến cho Thục Vương thừa cơ gây hấn xâm lấn nước ta. Vả lại, Thục Vương vốn là bộ chủ Ai Lao, cũng là dòng phái của tiền hoàng đế. 

Nay quốc thế không được bình thường, cũng là do tiền định. Vua có yêu riêng gì một cõi đất phương nam mà cưỡng lại ý trời, làm hại sinh linh? Vả lại, bệ hạ và thần có phép thần tiên, không gì hơn là quay về chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển, tiêu dao ở làng quê bất lão, thanh nhàn nơi gác phượng lầu rồng, há phải nhiễm bẩn bụi trần, vàng ngọc châu báu cũng chẳng bằng mảy lông, ngọc nữ tiên đồng cũng chỉ mát mắt chốc lát. Trí lự như thế mới thật là cao!

Tuyền Vương cho là phải liền sai đưa thư nhường nước cho Thục Vương. Tuyền Vương nhân đó tặng cho Thục Vương chiếc nỏ thần, rồi trở về núi Nghĩa Lĩnh cùng với Tản Viên Sơn Tinh biến hóa vào cõi hóa sinh bất diệt".

Vua Thục được nhường ngôi, lại được tặng nỏ thần, vô cùng cảm kích, đã về núi Nghĩa Lĩnh dựng đài phụng thờ và dựng hai cột đá thề trên núi như chúng ta đã biết. 

Nỏ liên châu, vũ khí được đi vào truyền thuyết. 

Việc Trọng Thuỷ lấy Mỵ Châu cũng khác

Về việc Triệu Đà cho Trọng Thủy sang ở rể, Ngọc phả cũng viết khác: "Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang giao chiến với An Vương. An Vương lấy nỏ thần ra bắn, Triệu Đà thua trận bỏ chạy. Đà biết Thục có nỏ thần, không thể đối địch được, bèn cho con là Trọng Thủy vào làm lính hầu (túc vệ) trong cung An Vương. Rồi Trọng Thủy cầu hôn vương nữ Mỵ Châu. Trọng Thủy dụ Mỵ Châu lấy trộm nỏ thần cho xem rồi tháo đổi cái lẫy khác. Sau đó Thủy về báo cho cha biết. Triệu Đà bèn phát binh đánh An Vương. An Vương không ngờ cái lẫy thiêng đã bị mất, khi ấy đang đánh cờ vây, cười nói: "Đà không sợ nỏ thần sao?". Quân Triệu Đà vây đến nơi, An Vương lấy nỏ ra bắn, không hiệu nghiệm. An Vương bẻ nỏ vứt đi rồi lui chạy. Thế là cơ đồ họ Hùng mất". 

Ở đây chúng ta thấy, lúc đầu Trọng Thủy sang với triều đình An Vương chỉ như một người dân bình thường, chứ không phải tự nhận là con Triệu Đà. Có như thế y mới được nhận làm lính hầu, mới dễ bề hoạt động gián điệp. Còn nếu triều đình An Vương biết Trọng Thủy là con Triệu Đà (tức là con của kẻ đang đối địch) thì có hai khả năng xảy ra: nếu có ý cầu hòa, An Vương sẽ bố trí cho y một chức vụ cao hơn nhiều trong triều đình, hoặc nếu không có ý cầu hòa thì không nhận cho y ở trong cung. Chi tiết này xem ra hợp lý hơn những điều từng ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư hay Lĩnh Nam chích quái. 

Xưa nay chúng ta đều quen với chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa, An Dương Vương được tặng móng rùa, đã sai Cao Lỗ chế nỏ thần. Đây là lần đầu tiên được tiếp cận một thông tin khác. Tất nhiên, chúng ta chưa thể khẳng định những hiểu biết xưa nay là sai, hay Ngọc phả Hùng Vương chép sai. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận rằng, có một thông tin như thế để sau này còn tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, cho dù Hùng Vương hay Thục Vương thì việc xây Loa Thành và phát minh ra chiếc nỏ là những thành tựu kỹ thuật đỉnh cao của người Việt cổ mà tòa thành kỳ vĩ kia và những mũi tên đồng trong các di chỉ khảo cổ, đặc biệt là kho mũi tên đồng hàng vạn chiếc khai quật được ở Cổ Loa chính là minh chứng.  

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Phan Duy Kha