Vùng rừng núi giáp ranh Bình Thuận – Lâm Đồng ngày nay vẫn còn đó những dấu tích một thời của hoàng tộc Chămpa. Đó là những ngôi đền cổ trước đây vốn chứa đựng nhiều cổ vật, châu báu mà mọi người khẳng định đó chính là kho báu thất lạc của hoàng tộc Chămpa trong thời kỳ loạn lạc lánh nạn qua đây.
Đi tìm kho báu của hoàng tộc Chămpa
Tây Nguyên bước vào mùa mưa, từng khối mây đen lù lù từ đâu kéo về khiến bầu trời đen nghịt, một cơn mưa nữa lại chuẩn bị ập đến. Không thể vào làng Sóp, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bằng xe gắn máy như những ngày nắng ráo, theo lời của ông Ya Nga, chúng tôi đành vòng xe dọc theo con đường đổ nhựa chạy thẳng sang đất Bình Thuận, được khoảng 2km rẽ trái lại ngoặt sang đất Lâm Đồng để vào làng Sămma tìm thầy cúng Y Thương, một người từ trước đến nay được xem là giữ hồn của buôn làng đồng thời phụ trách trông coi những ngôi đền cổ.
|
Người dân địa phương vẫn lưu giữ chứng tích của những ngôi đền cổ |
Cũng may, cả tuần nay trời đổ mưa dầm dề, Ya Thương không vào rẫy mà ở nhà xem chỉ tay cho đám con cháu. Người lạ đến nhà, Ya Thương đẩy đám con cháu vào trong niềm nở ra rót rượu quý đãi khách. Là một thầy cúng suốt mấy chục năm qua, Ya Thương hiểu rõ nhất về những ngôi đền cổ ở vùng núi giáp ranh Lâm Đồng – Bình Thuận, trong đó có đền Sóp, đền Kraya cùng những câu chuyện huyền bí xung quanh các ngôi đền cổ của người Chămpa để lại này.
Chúng tôi ngỏ ý muốn nhờ ông dẫn vào đền Sóp, nơi ít nhiều còn sót lại một số cổ vật của người Chămpa sau sự tàn phá của con người và thời gian. Ya Thương lắc đầu từ chối. Không phải vì ông không nhiệt tình mà do trời mưa lớn cả tuần nay, đường vào buôn Sóp không thể chạy bằng xe gắn máy. Chỉ còn con đường duy nhất là đi bộ tắt qua cánh rừng thông từ buôn Sămma qua buôn Sóp, ít nhất cũng gần 10km. Cái tuổi gần 70 đã khiến ông không thể nhiệt tình hơn được nữa.
Nỗi thất vọng in rõ trên khuôn mặt anh bạn đồng nghiệp. Sau một hồi đắn đo, chúng tôi quyết định lên đường cùng “thổ địa” Ya Nga bỏ lại sau lưng lời can ngăn của thầy cúng Ya Thương. Do trời mưa nên mới 2 giờ chiều mà ở chốn núi rừng này cứ ngỡ đã 5 giờ tối, bầu trời âm u, ảm đạm. Mưa ngày càng nặng hạt, con đường mòn dẫn lên đỉnh núi phía sau buôn Sămma trơn trượt, chúng tôi ướt sũng, cố níu vào những cây ven đường để vượt lên trên, làng Sămma nằm giữa hai dãy núi xa dần trong tầm mắt.
|
Đường vào đền cổ buôn Sóp |
Sau gần 2 tiếng đi bộ đường rừng, đôi chân già của “thổ địa” Ya Nga ngấm mỏi, còn chúng tôi thì đau nhừ tưởng chừng không thể bước nổi, đôi chân đỏ rát, nặng trịch. “Buôn Sóp kia rồi!...” – Ya Nga thốt lên phá tan sự im lặng mệt mỏi. Thẳng theo cánh tay Ya Nga dần dần ló ra vài chục nóc nhà lợp bằng lá hoặc tôn cũ, bị phủ một lớp đục đục của khói chiều đang len lỏi từ nhà bếp bay lên. Buôn Sóp trước mặt nhưng để tới đó là cả một quãng đường rừng dài trơn trượt. Thấy có người lạ xuất hiện trong buôn giữa lúc trời mưa u ám, đám trẻ con người Churu rối rít chạy ra ngõ nhìn chúng tôi không chớp. “Đền Sóp trên kia!...” – Ya Nga lại nói, đá con mắt sang phía tay trái. Trên lưng chừng một quả đồi rộng lấp ló một ngôi đền nhỏ bằng tôn ngập trong đám cỏ tranh um tùm.
Chúng tôi hớn hởn định băng qua ruộng lúa, vượt qua rẫy cà phê lên đền cổ buôn Sóp, Ya Nga liền ngăn lại: “Không được, muốn lên đền phải thông qua thầy cúng của buôn. Thường thì người lạ ai muốn vào phải mổ dê, rượu đem cúng, nghèo hơn nữa thì cúng gà, xôi…”. Chúng tôi phát hoảng, nếu chẳng may thầy cúng không chịu “đặc cách” thì có lẽ lại phải cuốc bộ gần 10km quay lại buôn Sămma đi về tay không. Trên gương mặt anh bạn đồng nghiệp đã in rõ sự lo lắng, hồi hộp.
|
Buôn Sóp hiện ra trước mắt |
Hơn 15 phút sau, Ya Nga từ ngõ nhà thầy cúng bước ra với nụ cười hớn hở, thông báo được vào đền cổ thoải mái mà không phải làm lễ cúng. Chúng tôi băng qua đồng lúa mới sạ, Ya Nga vừa đi vừa kể chuyện, trước đây với người lạ muốn vào đền cổ, không thể không có lễ cúng, nhưng nay mọi người đã được vào tự do.
Thoáng vui đó nhưng chỉ ít phút sau chúng tôi lại rối bời trăn trở. Bởi theo lời Ya Nga, đền cổ làng Sóp đã không còn giữ được những tập tục khởi thủy như xưa. Đền đã trở thành hoang phế, “hương tàn khói lạnh”, không còn được người dân địa phương chăm coi như trước đây, bởi gần như 100% hộ gia đình trong buôn đã theo đạo công giáo, không còn giữ phong tục thờ cúng. Cũng chính vì vậy mà hôm nay chúng tôi không có dê, không có gà, cũng chẳng có rượu ngon nhưng vẫn được vào đền cổ, chốn linh thiêng bậc nhất của núi rừng này.
|
Đền Sóp hoang phế, điêu tàn |
Không như ban đầu chúng tôi mường tượng, ngôi đền cổ nhuốm nhiều huyền bí của hoàng tộc Chămpa phải được xây bằng xi măng kiên cố, có bát hương thờ cúng, không gian trang trọng, linh thiêng. Đền cổ buôn Sóp là đây, hoang phế, điêu tàn, cỏ ngập khuất đền, cột gỗ xiêu vẹo. Cách đây chưa lâu, mưa gió đã làm sập đền, người dân trong buôn nặng lòng đã quyên góp vật dụng dựng lại ngôi đền để lưu giữ chứng tích một thời của hoàng tộc Chămpa.
Truyền tích ngôi đền cổ
Thầy cúng Ya Tang cho biết, đến nay đền đã dời khỏi vị trí ban đầu đến 5 lần. Theo tục lệ, cứ 50 năm con cháu trong buôn lại cùng một số người trong hoàng tộc người Chămpa ở Bình Thuận lên di dời đền một lần. Lần đền được di dời gần đây nhất cũng đã ngót nghét 45 năm. Trong đền trước đây vốn là vô số các của cải, châu báu, đó là gấm lụa nhà vua, hoàng hậu, các hộp klon bằng vàng, bạc, gốm sứ cổ, súng thần công… nhưng đến này hầu hết đã bị thất lạc.
Ở khu vực buôn Sóp và những vùng lân cận ngày nay không có người Chămpa sinh sống, vậy tại sao lại có đền thờ những cổ vật của người Chămpa? Chuyện kể lại rằng, đã lâu lắm rồi, vào một ngày nọ có phiên vương người Chămpa dẫn theo rất nhiều binh lính, của cải châu báu cùng người trong hoàng tộc lánh nạn đi qua. Gặp vùng bốn bên là đồi núi, cư dân địa phương thưa thớt, hiền hòa lại không thấy có khả năng bị quân thù đuổi theo, không bị người dân bản địa tấn công, vị phiên vương này liền ra lệnh cắm trại, lập buôn sinh sống hòa thuận với cộng đồng Churu.
|
Lối ra vào đền cỏ mọc um tùm |
Rồi một ngày, vị phiên vương này tập hợp tất cả binh lính, người nhà bàn bạc. Họ làm nhà cho rất nhiều đồ đạc, châu báu vào trong rồi gửi lại người Churu bản địa trông coi. Sau này, có người giải thích rằng tất cả số vàng bạc, châu báu mà vị phiên vương người Chămpa kia để lại nhờ người Churu trông coi thực chất là để tạ ơn trong suốt thời gian họ sinh sống đã gần gũi, giúp đỡ nhưng sợ người dân địa phương không nhận nên phiên vương người Chămpa phải khéo léo dùng từ “nhờ trông coi”. Trao xong cổ vật, châu báu, họ lặng lẽ lên đường, khuất dần phía sau dãy núi ngày nay đã dựng đền. Họ đi đâu không ai rõ, kể từ đó không thấy vị phiên vương kia quay trở lại nữa.
Để tưởng nhớ hoàng tộc người Chămpa vì lỡ thế mà phải lưu lạc, phiêu dạt xứ người, hằng năm cứ vào tháng 12 âm lịch, cả buôn lại tập trung làm lễ thờ cúng. Về sau, con cháu của hoàng tộc Chămpa ở Bình Thuận biết được trên buôn Sóp có đền thờ cúng gia tộc mình đã đem theo nhiều lễ vật lên cúng vái.
Khắc Lịch