Những ngôi đền chứa kho báu của người Chămpa ở vùng núi giáp ranh Lâm Đồng – Bình Thuận trải qua sự tàn phá của thời gian và con người nay đã trở nên hoang phế, điêu tàn.
Kho báu điêu tàn...
Băng qua cánh ruộng nhỏ, vượt qua một rẫy cà phê, chúng tôi lên lưng chừng một quả đồi lớn, chung quanh đã bị người dân phát quang làm rẫy chỉ còn sót lại khoảng vài nghìn mét vuông, cây bụi rậm rạp. Ở giữa khóm um tùm ấy là đền cổ Sóp, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) điêu tàn, hoang phế, lạnh nguội không hương khói. Ya Nga đứng trước đền trang nghiêm, thì thầm những câu gì đó bằng tiếng Churu mà chúng tôi không sao hiểu nổi.
Bước vào đền, một cảm giác linh thiêng, hồi hộp dồn nén chúng tôi đến cõi tâm linh, huyền bí, mặc dù ngày nay đền cổ đã xơ xác, tiêu điều vì không còn được ai chăm sóc. Đền cổ được tạo thành từ những cây gỗ rừng đục đẽo vội vã, nhiều cây bắt đầu mục nát, sập xệ, mái tôn cũ kỹ, gỉ sét. Không còn những hộp Klon bằng vàng, bạc, không những lụa là vua chúa hay đồ vật xa xỉ trong hoàng tộc Chămpa thời bấy giờ.
|
Đền cổ Sóp hoang phế, điêu tàn... |
Trước mắt chúng tôi chỉ còn lại ít cổ vật bằng gốm sứ, đó là những cái bát cổ được xếp lộn lẫn với những chiếc bát vừa được người dân đem đến cúng viếng. Ở đây, ngoài hai cái bát lớn (trông giống như hai cái nắp) bằng đồng màu đen thường dùng để đựng nước cúng, còn có 15 hiện vật bằng gốm sứ (chủ yếu là gốm hoa lam). Đặc biệt trong đó có một tô bên ngoài có những ô viết chữ Hán (có thể là một bài thơ vịnh) và một liễn sứ men trắng vẽ lam còn lại là những chiếc bát mới vừa được người dân đem đến cúng viếng.
Nỗi buồn in rõ hằn trên nét mặt Ya Nga. Là người sinh ra và lớn lên ở buôn Sóp này, rồi đi làm cách mạng, phiêu bạt nhiều nơi, nay trở về buôn cũ, đứng trong đền linh thiêng ngày nào ông rưng rưng nhớ lại quá khứ của ngôi đền nhiều huyền bí này. Cầm những chiếc bát cổ trên tay, Ya Nga đăm chiêu lần về quá khứ rồi kể lại: Trước đây, đền có vô số là của cải, châu báu bằng vàng, bạc, có cả kho y phục bằng lụa mà hoàng tộc Chămpa để lại. Trước sự tàn phá của thời gian, chiến tranh và con người, đến nay vàng bạc, châu báu đều đã thất lạc, phiêu dạt về đâu không ai nhớ rõ nữa.
Người dân buôn Sóp vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện đã xảy ra cách đây tròn 45 năm, đó là vào năm 1968, khi sư đoàn 23 của Quân đội Sài Gòn đã tới càn quét qua buôn làng, phát hiện trong những ngôi đền cổ ở vùng núi giáp ranh Lâm Đồng – Bình Thuận có chứa nhiều báu vật của người Chămpa để lại, liền huy động máy bay trực thăng và quân đội tìm đến những ngôi đền này cướp đi tất cả. Dân buôn Sóp chạy tới ngăn cản, quyết không cho lính ngụy đem những cổ vật ra khỏi đền liền bị họ nổ súng bắn chỉ thiên đe dọa.
|
Những gì đền Sóp còn sót lại ngày nay... |
Khi đã đưa tất cả kho báu lên máy bay, trong đó có nhiều trang phục lụa là của phiên vương Chămpa, nhưng hì hục khởi động mãi máy bay không sao cất cánh lên được. Nhiều người cho rằng đó là điềm báo gở khi quân ngụy tự ý cướp kho báu của người Chămpa. Sau nhiều phút loay hoay cúng vái, cuối cùng chiếc trực thăng chở theo những cổ vật từ đền Sóp cũng ỳ ạch cất cánh lên cao, bay về đâu không ai rõ.
Tàn ác hơn nữa, sau khi cướp bóc hết châu báu trong đền, lính ngụy liền ném bom phá nát đền cổ. Từ đó những báu vật huy hoàng là chứng tích một thời của hoàng tộc Chămpa bị thất lạc, đi về đâu không ai rõ nữa. Dân buôn Sóp lại quyên góp vật dụng dựng lại ngôi đền cổ, tìm được ít đồ vật còn sót lại cho vào đền thờ cúng đến ngày nay.
Đền Krayo chứng tích của sự giàu có
Rời đền Sóp, ra tới buôn Sămma khi đã tối mịt, đôi chân mỏi rời, đau rát, Ya Nga bàn bạc nên quay trở lại nhà thầy cúng Ya Thương ngủ lại qua đêm. Không thể trở về khi chưa tới đền Krayo, đêm hôm đó chúng tôi ngủ lại ở nền nhà của thầy cúng Ya Thương giữa bốn bề rừng núi.
Sáng hôm sau, trời vẫn đổ mưa lác đác, mây mù u ám bám khắp những đỉnh núi là ranh giới giữa hai tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận. Ăn vội vài cái bánh ngọt chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình dài khám phá ngôi đền cổ Krayo ẩn trong rừng sâu. Đây là ngôi đền chứa đựng nhiều báu vật nhất trong các đền của hoàng tộc Chămpa để lại ở vùng rừng núi ráp ranh Lâm Đồng – Bình Thuận. Cuộc hành trình hôm nay vất vả chẳng kém hôm trước. Chúng tôi đi bộ một tiếng rưỡi, vượt qua nhiều quả đồi thì đến đền Krayo.
|
Đường vào đền Krayo.
|
Đền cổ Krayo là đây, điêu tàn, đổ nát, trông không khấm khá hơn so với đền Sóp là bao. Thầy cúng Ya Thương cho biết, khi mới được người Chămpa làm đền vốn bằng gỗ, sau này người Pháp phát hiện ra ngôi đền bí ẩn trong rừng sâu có chứa nhiều cổ vật linh thiêng gắn liền với hoàng tộc Chămpa lừng lẫy một thời liền cho chở vật liệu xây dựng đền bằng xi măng, mái lợp tranh, hai tầng rất kiên cố. Tất cả các cổ vật, châu báu đều được phân loại, cho vào đền thờ cúng cẩn thận.
Nhưng rồi, đến thời Việt Nam cộng hòa, khi quân ngụy tràn qua càn quét, đền Krayo cũng nằm chung số phận với đền Sóp, bao nhiêu của cải, châu báu, gấm lụa đều bị cướp hết. Từ đó, kho báu trong đền Krayo thất lạc.
Cư dân địa phương cho biết, khác với đền Sóp, đền Krayo thờ vua Chăm Poklongkahul và hoàng hậu Poklongnaiqua, cũng chính vì vậy mà những vật dụng ở đền này quý báu hơn cả. Trước đây trong đền có cả kho đựng đồ bạc và y phục của vua Chăm. Ngày đó có những hộp klon bằng vàng, mỗi hộp có ba lớp từ lớn đến nhỏ đựng tro và xương trán của vua và hoàng hậu, 500 chén và bốn mâm thờ bằng bạc. Một vương miện bằng vàng, ngoài ra còn có bốn rương quần áo có viền vàng và 52 cây súng thần công.
|
Những nòng súng thần công còn sót lại trong đền. |
Năm 1968, binh lính Quân đội Sài Gòn trong lần đi càn quét đã phát hiện ra kho báu giữ rừng liền cho máy bay cướp sạch kho báu rồi ném bom bắn phá ngôi đền. Sau này, người Churu đã dựng lại một ngôi đền cách vị trí ban đầu khoảng 3km để thay con cháu hoàng tộc Chămpa thờ cúng tổ tiên và những gì còn sót lại.
Đến nay, đền Krayo chỉ còn 18 nòng súng, một bình bằng bạc bị bẹp giúm, năm cái bát lớn nhỏ men trắng vẽ lam. Đặc biệt có một chén nhỏ men màu trắng đục xung quanh có trang trí hoa văn hình cánh sen, giữa thân có vẽ rồng ba móng. Ngoài ra không còn vật nào có giá trị nữa.
Đền Krayo khuất dần sau quả đồi cao vút, phút linh thiêng trước ngôi đền cổ trong chúng tôi cũng rời xa. Ngoảnh lại phía sau lưng, trên lưng chừng đồi hoang vắng, đền Krayo lấp ló hoang phế, chúng tôi không khỏi xót xa. Một kho báu vốn là chứng tích của hoàng tộc Chămpa bị thất lạc trải qua sự tàn phá, hủy diệt của thời gian và con người đã trở nên điêu tàn.
Rồi ngày mai đây, số phận những ngôi đền cổ sẽ đi về đâu? Câu hỏi ấy vẫn là niềm trăn trở đối với chúng tôi, những lữ khách chợt có lần viếng thăm...
(Còn nữa...)
Khắc Lịch