Bia đá “Trạng nguyên từ” và cây khế tiền tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Thấy chúng tôi hỏi về tấm bia đá gắn chữ: "Trạng nguyên từ", bà Vựa chỉ tay về góc vườn nói, từ lâu gia đình đã vứt chỏng chơ ở đó.

Người dân làng Voi còn nhớ rất rõ, xưa kia khi trạng nguyên mất đi mọi người đã góp tiền xây dựng đền thờ, để con cháu sau này đời đời ghi nhớ. Thế nhưng, khi chúng tôi trở lại, nơi đây ngôi đền đã không còn...
Bia đá "Trạng nguyên từ" thành gạch xây bờ rào
Chúng tôi được các cụ cao niên trong làng Voi cho hay, hiện nơi đây vẫn còn những người con cháu của cụ Trịnh Huệ sinh sống. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã đến thăm lại mảnh đất xưa kia trạng nguyên sinh sống. Đó là mảnh đất rộng khoảng 2 sào, vuông vắn nằm giáp ranh với núi Voi. Ông Trịnh Xuân Bảo là cháu đời thứ 8 của trạng nguyên Trịnh Huệ, ông là người thừa kế toàn bộ khu vực nhà ở và nhà thờ của dòng họ Trịnh nơi đây.
Thấy có khách đến nhà, ông Bảo đon đả ra đón khách mời vào uống nước, ông cho biết: Trước đây, ông cha có để lại gia phả cuộn tròn đựng trong ống nhỏ rồi cất vào tráp. Nhưng do mối mọt nên đã bị hư hỏng. Theo bà Lê Thị Vựa, vợ ông Bảo thì từ khi bà về làm dâu con trong gia đình họ Trịnh, bà cũng không thấy bố mẹ nói gì nhiều về cuốn gia phả nên cũng không hiểu nhiều về gia tộc. Thực tế thì ngoài mảnh đất ở cùng căn nhà cấp bốn mục nát thì cha ông cũng không để lại vật dụng gì đáng giá.
Bà Vựa cho hay, vị trí đền thờ cụ Trịnh Huệ khi xưa, giờ là cổng ngõ của gia đình. 
Bà Vựa cho hay, trước đây ở đầu ngõ của gia đình có một căn nhà thờ tự trạng nguyên Trịnh Huệ. Nhưng theo thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp và bị xập xệ. Vợ chồng bà không có tiền tu sửa, cuối cùng đã quyết định dỡ bỏ. Vật dụng đáng quý nhất trong ngôi đền thờ đó chính là tấm bia đá năm xưa cụ Chu Văn An đã khắc dòng chữ nổi: "Trạng nguyên từ", phía sau có 4 chữ khắc rất mờ và sơ sài: Tứ Bính Thìn Khoa (năm Bính Thìn 1736, là năm Trịnh Huệ đỗ trạng nguyên). Xưa kia tấm bia này được đặt gần bàn thờ của Trịnh Huệ. Khi ông Bảo dỡ bỏ ngôi đền, tấm bia được mang vào trong nhà đặt bên bàn thờ của gia đình, sau này thấy tấm bia nặng quá mọi người mới bỏ xuống dưới.
"Gia đình tôi vốn làm ruộng, nghèo khó nên khi ngôi đền của cụ Trịnh Huệ xuống cấp cũng không có tiền để sửa chữa xây dựng. Cuối cùng đành dỡ để làm ngõ. Mấy năm trước, vợ chồng tôi xây bờ tường rào, không có đủ tiền mua gạch đã dùng cả tấm bia để xây tường. Sau này ông Bảo mới lấy tấm bia xuống và để ở góc vườn bên chuồng gà", bà Vựa cho biết.
Hiện bàn thờ và bát hương thờ tự cụ trạng nguyên Trịnh Huệ được gia đình ông Bảo đưa vào bàn thờ gia tiên để thờ cúng. Những hiện vật của cụ Trịnh Huệ được đặt trên bàn thờ của ông chỉ còn hai chén gỗ, đựng trong đài gỗ và ống đựng đũa bằng gỗ.
Cháu Trịnh Thanh Lâm chỉ tấm bia với dòng chữ: "Trạng nguyên từ" cho phóng viên xem. 
Thấy chúng tôi hỏi về tấm bia đá gắn chữ: "Trạng nguyên từ", bà Vựa vừa chỉ tay về góc vườn vừa nói, từ lâu gia đình bà đã vứt chỏng chơ ở đó. Mấy đứa cháu của bà Vựa thấy vậy nhao nhao chạy về phía bà Vựa chỉ tay để xem nó là vật dụng gì. "Cháu tưởng đó là vật gì mới lạ, chứ tấm bia này ông cháu vứt nó ra vườn từ lâu lắm rồi. Nhưng cháu không biết tấm bia đó để làm gì", em Trịnh Thanh Lâm, cháu ông Bảo nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ở làng Voi, dòng họ Trịnh chỉ có hai gia đình là ông Trịnh Xuân Bảo và người em ruột của mình là Trịnh Xuân Quyết.
Năm nay ông Quyết cũng đã bước sang tuổi 78, ông được bố mẹ phân chia diện tích đất ở ngay bên cạnh người anh của mình. Nói về ngôi nhà thờ cụ trạng nguyên Trịnh Huệ, ông Quyết buồn rầu nói: "Trước đây có nhiều đoàn đến thăm hỏi, viếng thăm đền cụ Trịnh Huệ. Nhưng họ thất vọng vì đền thờ cụ đã không còn nữa. Cũng có một số đoàn thể các nơi đến đặt vấn đề với ông Bảo muốn được đầu tư tiền của để xây dựng lại ngôi đền cho mọi người đến phúng viếng. Nhưng ông Bảo cương quyết không hợp tác để xây đền".
Dù người ta trả giá cây khế một tỷ, hay nhiều tỷ đồng ông Bảo cũng không bán.
Cây thị vài trăm tuổi và cây khế tiền tỷ
Ông Bảo cho hay, trong khu vườn của gia đình ông trước đây có 4 cây thị cổ thụ được trồng ở 4 góc vườn và 1 cây khế. Đây là những cây cổ thụ xưa kia cụ Trịnh Huệ trồng. Nhưng do mưa bão, 3 cây thị cổ thụ đã bị quật đổ. Hiện trong vườn của gia đình ông Bảo chỉ còn 1 cây thị và cây khế cổ thụ.
Tuy là con cháu cụ trạng nguyên Trịnh Huệ, nhưng gia đình ông Trịnh Xuân Bảo còn nghèo. Trước đây, do gia đình không có điều kiện nên ông được học hành ít. Lớn lên ông tham gia dân quân du kích rồi ở nhà làm ruộng. Hiện con cháu ông cũng ít người học hành đỗ đạt cao.
"Cây thị này của cụ Trịnh Huệ trồng, nếu tính năm tồn tại của cây cũng phải trên dưới 250 năm. Thân cây thị sần sùi, vạm vỡ phải hai người ôm mới xuể. Trước đây, dân làng phải hứng chịu nhiều cơn bão, nhiều cây cối trong vùng bị đổ. Nhưng cây thị của gia đình vẫn trường tồn. Hiện trên thân cây thị có nhiều loại cây tầm gửi mọc lên um tùm. Hằng năm, cây thị đều có rất nhiều quả. Nhưng điều lạ là quả của nó không có vị ngọt bình thường mà đắng chát", ông Bảo kể.
Ông Bảo dẫn chúng tôi về phía sau vườn, cho chúng tôi ngắm nhìn cây khế cổ thụ. Theo ông, cây khế này cũng có niên đại bằng với cây thị trong vườn. Cây khế nằm phía sau căn nhà gia đình ông Bảo. Mấy năm trước, gia đình hàng xóm đào móng xây nhà, làm đứt cả một đoạn rễ chính của cây khế, gia đình ông Bảo tưởng cây sẽ bị chết. Thế nhưng, lạ kỳ thay cây khế vẫn sống và đơm hoa kết trái. 
Ông Bảo cho biết: Hằng năm cây khế đều ra quả rất xum xuê, quả phổng phao như bàn tay. Nhưng hương vị của khế rất chua, nên rất ít người ăn được. Mấy năm trước gia đình ông Bảo từng đón tiếp nhiều người lạ đến chơi và gạ gẫm ông nhượng lại các cây cổ thụ.
"Gia đình tôi  từng có nhiều người khách đến chơi, họ biết được gốc tích của cây thị và cây khế cổ rất quý giá. Vì thế, bằng nhiều cách họ muốn sở hữu các cây đó. Trong số đó có người từng trả giá cây thị cổ 500 triệu đồng và cây khế cổ 1 tỷ đồng. Tôi biết rằng số tiền đó rất lớn, bán cây đi gia đình tôi sẽ có cuộc sống sung túc. Nhưng tôi cương quyết không bán. Bởi đây là báu vật mà cha ông đã để lại, chúng tôi là con cháu phải giữ gìn nó. Phải bảo vệ cây để nó trường tồn mãi mãi. Gia đình tôi dù đói khát, cũng không thể bán các cây cổ thụ đó đi được", ông Bảo chia sẻ.
Nếu khu di tích núi Voi được khôi phục, khu nhà thờ của cụ Trịnh Huệ được xây dựng lại trên nền đất cũ, hứa hẹn nơi đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai không xa. Khi đó cây thị, cây khế cổ sẽ trở thành nhân chứng của lịch sử.
Ông Hoàng Tuấn Công (nhà nghiên cứu Hán Nôm tỉnh Thanh Hóa) 
Đức Hồng