Cậu học trò học lỏm
Vũ Duệ người làng Trinh Xá, huyện Sơn Vi, nay là thôn Trịnh Xá, xã Lê Tinh (cũ), huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Ông vốn tên là Vũ Nghĩa Chi, sau đổi tên thành Vũ Duệ.
Vũ Duệ là con nhà nghèo, bố mẹ không đủ tiền cho con ăn học, hằng ngày cậu bé Vũ Duệ phải trông em, nấu nướng để bố mẹ đi làm đồng. Nhưng nhờ trời cậu rất sáng dạ, lại rất hiếu học. Gần nhà cậu có một lớp học của một ông thầy đồ. Như đã thành lệ, mỗi buổi sáng khi thầy ngồi vào bục giảng, ông lẩm nhẩm điểm mặt chừng 20 cậu học trò hiện diện, ông cũng không quên đưa mắt nhìn ra hè để ý "cậu học trò" không chính thức cõng em đứng ngoài hiên, đôi mắt hau háu nhìn về phía ông.
Phải đến quá nửa học trò trong lớp ghen ghét không muốn cho đứa trẻ cõng em đến nghe lỏm bài học của mình. Mặc dù trong bụng thì tức tối, nhưng cũng không dám hé răng nửa lời, vì chúng hiểu ý thầy là để mặc cho cậu ta nghe bài giảng, chẳng thiệt hại gì.
Quả là ông nghĩ như vậy thật, nhưng với một thời gian khá lâu, kể từ khi ông đồ bước đến lớp học này thì cũng đã quá nửa năm, ấy thế mà cậu học trò học lỏm kia vẫn kiên trì, chuyên cần tới lớp không chịu vắng buổi nào. Rồi một hôm, thầy đồ nảy ra ý nghĩ muốn đuổi khéo cậu học trò học lỏm kia bằng cách: Thầy nêu ra một câu hỏi khá hóc búa rồi bất chợt kiểm tra cậu ta. Nếu cậu ta không trả lời được thì sẽ thẹn mà tự thoái, chứ ông không phải đuổi. Nhưng nếu quả thật là cậu bé có tài năng mà đáp nổi câu hỏi thì ông sẽ tìm cách cưu mang.
Trước khi kiểm tra "cậu học trò học lỏm", thầy đồ lần lượt gọi các cậu học trò chính thức trong lớp trước. Thầy hỏi đến quá nửa lớp nhưng chẳng cậu nào đáp được. Bấy giờ thầy đồ mới dừng lại và hướng đôi mục kỉnh ra ngoài hiên, nơi có cậu học trò đang cõng em, đôi mắt còn đang chăm chắm nhìn về phía ông đồ, ý chừng cậu ta muốn trả lời thay cho các bạn ở trong lớp. Thấy vậy, thầy đồ ôn tồn hỏi: Liệu con có đáp được câu hỏi của ta không? Dạ, thưa thầy được ạ, cậu ta thản nhiên trả lời như vậy.
Thầy đồ gật đầu: "Con thử nói xem sao". Cậu trả lời rất trôi chảy và mạch lạc. Thầy đồ gật gật đầu tán thưởng. Cả lớp học đều trố mắt kinh ngạc và thán phục. Bấy giờ thầy đồ mới biết tên em là Nghĩa Chi. Thầy hỏi cậu: "Cái tên Nghĩa Chi tuy là hay nhưng chưa xứng với tài năng của con. Nay thầy đổi cho con cái tên là Duệ, liệu có vừa ý con không?". Nghĩa Chi vái tạ thầy rồi ra về.
|
Tranh minh họa. |
Chết vì vua
Ngay sau buổi học hôm ấy, thầy đồ đến tận nhà vận động, khuyên nhủ cha mẹ cho Duệ đi học. Chỉ vài tháng sau khi Duệ đến lớp chính thức, cậu vươn lên hàng đầu. Cậu được thầy yêu bạn mến vì học giỏi và hay thơ.
Khi thi Hương, Duệ đỗ Giải nguyên. Thi Hội và thi Đình, Vũ Duệ đỗ trạng nguyên. Năm 23 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời vua Lê Thánh Tông.
Ông làm quan trải qua các chức Trinh ý bỉnh văn công thần, Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diện, Thiếu bảo, tước Trình khê hầu. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông theo vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa. Ông đội mũ mặc áo chỉnh tề, đến lạy lăng các vua Lê ở Lam Sơn rồi tự sát. Đến đời Lê Trung Hưng, ông được phong là phúc thần. Ông còn 9 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.
Gương hiếu học và tài năng xuất chúng của Trạng nguyên Vũ Duệ đã góp phần vun trồng nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Trần Hồng Đức