Smart TV đã trải qua giai đoạn phát triển khó khăn trong nhiều năm qua. Giao diện thông minh trên màn hình lớn bị cho là vẫn quá rối rắm và nhiều tính năng phức tạp “gây khó” cho người dùng.
Nhiều người đánh giá, Smart TV phát triển quá chậm. Cho đến trước 2015, các nhà sản xuất vẫn “loay hoay” và đi theo những hướng đi khác nhau trong việc xây dựng và sử dụng hệ điều hành cũng như kho ứng dụng cho TV thông minh. Khác với sự đồng nhất của hệ điều hành ở các thiết bị di động, hiện tại, mỗi hãng TV đều phát triển một nền tảng riêng của mình và không theo bất kỳ một tiêu chuẩn nào cả.
CES 2015 được xem là bước đánh dấu cho sự phát triển đồng nhất hơn trong thế giới TV thông minh. Hiện tại, ngoài LG và Samsung là hai nhà sản xuất xây dựng cho mình hệ điều hành cũng như kho ứng dụng riêng dành cho TV. Còn lại, hầu hết các nhà sản xuất đều “cậy nhờ” đến sự phát triển từ bên thứ 3, như Sony với Android TV, Panasonic với hệ điều hành FireFox.
Nền tảng smart TV LG web OS
|
Giao diện webOS. Ảnh: LG.
|
LG xây dựng nền tảng Web OS dành cho TV thông minh vào đầu năm 2014. Nền tảng di động Web OS ban đầu được Palm sử dụng trên smartphone. Sau đó, được bán lại để LG sử dụng cho các Smart TV màn hình lớn được xem nhân tố quyết định cho sự thành công của phân khúc Smart TV của hãng trên thị trường toàn cầu.
Web OS được xây dựng với triết lý “đường thẳng”. Thay vì sử dụng một lưới các ứng dụng như trên Smart phone, các ứng dụng của webOS được bố cục theo phương ngang và nằm trên cùng một đường thẳng. Thiết kế giao diện này được đánh giá là đơn giản và thân thiện với người sử dụng.
Giao diện web OS sẽ xuất hiện “đè” lên bất cứ ứng dụng nào khi người dùng nhấn vào nút Home trên điều khiển từ xa. Thao tác đơn giản này giúp người dùng trở về màn hình chính bất cứ lúc nào để thấy các ứng dụng khác mà không cần phải nhấn thoát ứng dụng.
Khi kết nối TV với một thiết bị nào đó, nó cũng sẽ hiện lên màn hình chủ như một thẻ ứng dụng. WebOS LG còn bổ sung thêm thẻ “Today” để đưa ra đề xuất nội dung bạn nên xem trong ngày.
Tại CES 2015, LG ra mắt phiên bản WebOS 2.0 cho các Smart TV thế hệ 2015 của hãng. Về cơ bản, LG không thay đổi nhiều giao diện của hệ điều hành này mà chỉ thêm vào một số tính năng mới và làm cho webOS khởi động và duyệt web nhanh hơn.
Thêm đó, cửa hàng ứng dụng của LG trong phiên bản WebOS 2.0 đã được đổi tên thành LG Content Store với nhiều hơn các ứng dụng. Tại Việt Nam, giao diện web OS của các Smart TV của LG hỗ trợ tiếng Việt và nhiều ứng dụng nội địa gần gũi với người dùng.
Sony với Android TV
|
TV Sony với nền tảng Android đang được xem là hướng đi mới. Ảnh: Thùy Linh.
|
Android TV là sự kế thừa của Google TV, được thiết kế để đưa nền tảng Android chạy trên các màn hình TV lớn và các thiết bị đa phương tiện. Đây là hệ điều hành dành cho TV thông minh do Google phát triển.
Android TV chính thức trình làng vào tháng 10/2014, được các hãng sản xuất: Sony, Sharp và Philips sử dụng trên các TV mới của mình. Nhưng chỉ có Android TV của Sony là được nhiều người biết đến.
Thuận lợi của Android TV là hệ điều hành này vốn đã rất quen thuộc với người dùng Smart phone. Hệ điều hành mà Sony sử dụng cho các mẫu TV của mình là Android 5.0 Lolipop “UI leanback” được tùy biến từ nền tảng Android 5.0 Lollipop nhưng được xây dựng dành riêng cho TV và ưu tiên trải nghiệm các nội dung giải trí. Trên giao diện chính, các Android TV là một nhóm các thẻ đại diện cho các nội dung và ứng dụng: phim, show truyền hình, ứng dụng, trình duyệt web và game.
Các ứng dụng này được tối ưu hóa dành cho TV. Người dùng có thể sử dụng 4 nút điều hướng trên điều khiển từ xa của TV để lướt qua các loại nội dung.
Cũng trên giao diện màn hình chính, người dùng có thể chỉnh nhanh và lựa chọn các kết nối đầu vào hoặc kết nối với các thiết bị ngoại vi. Các tính năng nổi bật bao gồm: Google Cast, tìm kiếm bằng giọng nói, truy xuất kho ứng dụng Google Play,..
Hiện tại, kho ứng dụng của AndroidTV đã có trên 2000 ứng dụng khác nhau và liên tục được cập nhật bởi Android vốn là một nền tảng mở.
Ngoài các ứng dụng chung từ Google Play, ở các Android TV dành cho thị trường Việt Nam, Sony cũng đã bắt tay với các nhà xây dựng ứng dụng để tích hợp vào các mẫu TV thế hệ mới nhiều ứng dụng nội dung giải trí quen thuộc với người dùng trong nước: Yan, ZingTV hay ứng dụng truyền hình tương tác đa nền tảng FPT Play. Với dịch vụ FPT Play được tích hợp, Android TV của Sony có thể xem Live streaming với hơn 100 kênh truyền hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là ứng dụng duy nhất có bản quyền phát giải ngoại hạng Anh, các trận bóng đá EP.
Nền tảng Samsung Tizen TV
|
Nền tảng Tizen. Ảnh: Internet.
|
Cũng như LG, Samsung xây dựng cho các Smart TV của mình hệ điều hành và kho ứng dụng riêng.
Tizen được xem là nền tảng mới của Samsung, thiết kế dựa trên cơ sở của hệ điều hành mở Linux. Hệ điều hành này, được sử dụng trên tất cả các thiết bị thông minh của hang như Smart TV, Smart phone, tablet, máy tính, smart camera, smart watch, thiết bị gia dụng và thậm chí trong các thiết bị thông tin trên xe hơi.
Các dòng TV sản xuất năm 2015 là thế hệ TV thông minh đầu tiên chạy trên nền tảng Tizen của hãng. Khi sử dụng, điều khiển từ xa sẽ là thiết bị điều hướng hỗ trợ các thao tác cử chỉ và hoạt động như chuột máy tính, cho phép trỏ và chọn các biểu tượng trên màn hình chính của TV có tên gọi là Smart Hub.
Đây là một nền tảng nguồn mở đã được chuẩn hóa, giúp linh hoạt hỗ trợ nhiều nội dung và thiết bị hơn, cho phép các nhà phát triển ứng dụng dễ dàng tạo ra các nội dung tương thích, đồng thời kết nối người dùng đến kho giải trí khổng lồ
Trên nền tảng Tizen mới, Smart TV của Samsung cũng mang đến những trải nghiệm quen thuộc như trước đây với giao diện Smart Hub hiển thị trên cùng một màn hình cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm và nhanh chóng tiến cận nội dung. Bên cạnh đó, người dùng cũng thể kết nối và đồng bộ TV với nhiều thiết bị khác qua Wi-Fi Direct hoặc Bluetooth năng lượng thấp.
Về mặt nội dung, có thể xem Samsung là nhà sản xuất “chịu khó” đầu tư nguồn nội dung và ứng dụng: Samsung Sports Live, PlayStation Now…hay các ứng dụng thuần Việt tại thị trường Việt Nam.
Theo ICTNews