Bạn mới mua một chiếc TV, hay thậm chí là Smart TV và nghĩ rằng chừng ấy là quá đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí cho cả gia đình?
Đó là một nhầm lẫn tai hại.
|
TV hiện là thiết bị giải trí không thể thiếu của phòng khách. |
Có hai lý do để bạn phải sắm thêm nhiều “tiện nghi” hơn nữa cho chiếc TV của bạn:
Thứ nhất, TV không còn là thiết bị nghe nhìn duy nhất nữa. Hiện tại, nó chỉ là một thành phẩn rất nhỏ trong hệ sinh thái thiết bị dành cho nhu cầu giải trí.
Thứ hai, các nhà sản xuất tích hợp rất nhiều loại kết nối để giúp TV có thể giao tiếp được với những thiết bị bên ngoài khác. Và không để phí phạm, bạn sẽ phải tận dụng chúng!
Để khai thác hết sức mạnh của TV, dưới đây là những “tiện nghi” mà bạn rất nên xem xét để biến TV của bạn thành trung tâm giải trí thực sự:
1. Android box, HD Player, hoặc Micro-PC
|
Dune HD Base 3D. |
Smart TV rất tốt, với giao diện rất đẹp mắt. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ các định dạng video và âm thanh rất hạn chế. Ngoài ra, chúng còn không hỗ trợ tốt các ứng dụng giải trí như xem phim online hay hát karaoke.
Trong khi đó, chỉ với Android box,
HD Player và Micro-PC, người dùng gần như được thỏa mãn mọi nhu cầu xem phim và nghe nhạc, với chất lượng hình ảnh và âm thanh cao nhất.
Giá của một chiếc Android box hoặc HD Player hiện nay rơi vào tầm từ 2 triệu đến 8 triệu đồng. Một số thương hiệu Android box được nhiều người như Himedia, Mygica, Minix… Cũng cần lưu ý là Android box thường bị nhiều lỗi vặt hơn so với HD Player.
Thị trườngHD Player lại bị thống trị bởi Dune HD bởi thị phần gần như tuyệt đối trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, hai thương hiệu cũng rất đáng đồng tiền bát gạo khác mà bạn cần lưu ý bao gồm iMax và HDLife. Cả hai đều có mức giá hấp dẫn và các tính năng không kém cạnh.
So với Android box và HD Player, Micro-PC khó sử dụng và không thân thiện bằng. Tuy nhiên, hiệu năng và tính ổn định thì Micro-PC lại cao hơn hẳn. Tại thị trường Việt Nam, bạn có thể lựa chọn thương hiệu ZOTAC hoặc Intel.
Chi phí để đầu tư một chiếc Micro-PC hiện khá cao. Với một cấu hình cơ bản, đủ để “chiến” phim HD và nghe nhạc lossless thì bạn cần chi ra khoảng 5 triệu đồng.
2. Hệ thống âm thanh all-in-one hoặc soundbar
|
Dàn âm thanh từ Onkyo. |
Âm thanh từ loa TV nghe rất chán, đặc biệt là nó càng chán hơn khi bạn được nghe hệ thống âm thanh được demo tại showroom hoặc nhà của một người quen nào đó.
Để nâng cấp âm thanh cho TV, hệ thống âm thanh all-in-one hoặc soundbar (loa thanh) là một lựa chọn tuyệt vời. Đặc biệt là trong thời điểm này, rất nhiều mẫu mã và chủng loại cho bạn lựa chọn.
Một số dàn âm thanh đến từ thương hiệu đại chúng quen thuộc như Sony, LG, Samsung hay Panasonic với giá từ 10 đến 30 triệu. Tuy nhiên, bạn nên để ý đến các thương hiệu chuyên về âm thanh khác, bao gồm Denon, Pioneer, Yamaha, Onkyo hay Jamo với mức giá cạnh tranh không kém.
3. Ổ cứng gắn ngoài
|
Ổ cứng gắn ngoài. |
Hầu hết TV hiện nay đều cho phép người dùng chơi nhạc, xem ảnh và xem phim trực tiếp từ ổ cứng thông qua cổng USB. Trong bối cảnh mà việc chia sẻ và tiếp nhận dữ liệu vô cùng đa dạng như hiện nay, bạn chắc chắn sẽ cần tới một chiếc ổ cứng gắn ngoài.
Ổ cứng gắn ngoài cho phép bạn chép phim/nhạc từ bạn bè hoặc download thông qua PC. Sau đó gắn lên TV hoặc các thiết bị phát khác như Android box hay HD Player để thưởng thức.
Giá ổ cứng gắn ngoài hiện ở mức từ 1 triệu đồng cho mức lưu trữ 500GB (chứa được hơn 100 bộ phim HD 720P, hoặc 60 bộ phim ful HD 1080P). Với mức đầu tư cao hơn, bạn có thể nhận được dung lượng 1TB, 2TB hay thậm chí là 3TB để lưu trữ nhiều hơn.
4. Giá treo tường hoặc kệ TV
|
Một chiếc giá treo TV giúp tiết kiệm không gian. |
Có 2 cách bố trí TV trong không gian nhà bạn: treo tường hoặc sắm một chiếc kệ.
TV treo tường giúp tiết kiệm không gian và khiến cho không gian sống trở nên hiện đại hơn. Để làm được điều đó, bạn cần sắm một giá treo với mức giá từ 150.000 đồng trở lên cho TV có kích thước 32-inch. Những chiếc giá này lắp đặt khá dễ dàng, và có thiết kế rất thẩm mỹ.
Trong khi đó, một bộ kệ sẽ khiến cho không gian sinh hoạt của cả gia đình bị thu hẹp. Bù lại, kệ có nhều ngăn cho phép bạn tận dụng để chứa đồ hoặc trang trí. Với những người có nhiều thiết bị đi kèm như ampli, đầu karaoke, đầu HD… thì việc sắm một bộ kệ chỉnh chu là điều hiển nhiên.
5. Cáp HDMI - MHL (Mobile High-Definition Link)
|
Cáp HDMI có thể truyền tải nhiều nội dung lên TV. |
Nghe chừng có vẻ không quan trọng, nhưng nếu xài smartphone hỗ trợ HML thì một sợi cáp HDMI MHL là thứ cần phải sắm.
Về cơ bản, MHL cho phép sử dụng TV giống như một màn hình thứ 2 cho điện thoại. Bạn có thể dùng điện thoại để chiếu phim HD, hoặc chơi game trên màn hình TV với tay cầm là điện thoại.
6. Thiết bị chơi game (Xbox, Wii, Playstation, PC)
|
Sony Playstation. |
Nếu như phim ảnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giải trí cho cả gia đình bạn, hãy cân nhắc đến việc mua một thiết bị chơi game.
Chúng ta có rât nhiều sự lựa chọn, từ Xbox, PS, Wii cho tới PC. Thậm chí, nếu biết cách, những thiết bị chơi game này có thể dùng để làm thiết bị phát phim HD thay cho Android box và HD Player.
7. Bộ lưu điện UPS
|
UPS giúp bảo vệ thiết bị nghe nhìn. |
Sắm một bộ lưu điện UPS cho TV ư? Nghe có vẻ nực cười, tuy nhiên, hãy suy nghĩ thật kỹ.
Các hệ thống UPS hiện nay được trang bị nhiều tính năng cực kỳ hữu dụng như chống sét, giúp ổn định nguồn điện, tránh chập cháy…. Ngoài ra, UPS cũng là thiết bị vô cùng hữu dụng trong các chương trình truyền hình quan trọng, bởi nó cho phép bạn xem tiếp ngay cả khi... mất điện.