Hé mở 5 tàu ngầm Việt Nam vừa xuất sang Malaysia

Google News

Nhà khoa học Phan Bội Trân cho biết, 5 tàu ngầm du lịch của ông đã giao cho khách hàng cách nay 1 tuần.

Chiều 20/9, nhà khoa học Phan Bội Trân cho biết, 5 tàu ngầm du lịch của ông đã giao cho khách hàng cách nay 1 tuần. Ngoài ra, phía Malaysia còn đặt hàng thêm 25 chiếc nữa, riêng tại Việt Nam có 2 công ty cũng đặt mua 2 tàu mini để dùng triển lãm.
"Cha đẻ" tàu ngầm mini Việt Nam cho biết thêm, lô hàng 5 chiếc tàu du lịch mini có tên "Người Cá" ông bán theo giá xuất xưởng, mỗi chiếc 3.500USD. Sau khi bán xong là ông hết trách nhiệm, không cần biết sản phẩm mình đi đâu, về đâu, như thế nào. Tại xưởng của ông Trân, các tàu ngầm du lịch chỉ được thử về động cơ, thiết bị điện, bình hơi và các thành phần cơ bản khác.
“Tại đây tôi nạp đầy bình điện rồi thử trên bờ còn việc đưa tàu xuống nước thử là chuyện của họ, họ có khu vực hồ bơi riêng. Tôi nghĩ tàu không bị trục trặc gì nên cho đến thời điểm hiện tại chưa thấy họ phản hồi gì” – ông Trân nói.
"Công việc tiếp theo của họ là xử lý giấy tờ, nhập mã hàng hóa để thông quan. Những chiếc tàu ngầm du lịch đã tới Malaysia hay chưa tôi cũng không nắm rõ" - nhà khoa học nói.
Theo ông Trân nếu đưa sản phẩm vào danh mục mang tên “tàu ngầm” thì chắc chắn không thể xuất khẩu được mà phải áp với mã hàng hóa tương đương. Điều quan trọng sản phẩm không phải là hàng cấm và không trốn thuế thì cũng dễ dàng thông quan.
Nhà khoa học Phan Bội Trân bên khuôn mẫu chiếc tàu du lịch mini. 
Sắp tới ông Trân cũng sẽ sang Malaysia đóng thêm cho đối tác 25 tàu ngầm du lịch mini. Lý do tại sao không sản xuất ở Việt Nam mà phải sang Malaysia, ông Trân giải thích: Do ở Việt Nam chưa có mã hàng hóa nên không cấp được cho khách hàng chứng chỉ xuất xứ.

Như vậy hải quan Malaysia cho rằng sản phẩm được nhập tạm sang Việt Nam rồi xuất sang Malaysia sẽ tăng thêm 30% thuế giá trị sản phẩm, cộng với phí vận chuyển, tàu biển đẩy giá thành lên cao. Một lý do nữa, ông Trân đưa ra là, nếu sản xuất ở Malaysia thì được hưởng trợ cấp của Chính phủ sở tại gói tài trợ 300.000 USD.
Để 5 chiếc tàu mini hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu khách tham quan giải trí, theo ông Trân cần phải có một tàu mẹ để chứa những tàu này. Chiếc tàu mẹ có tên gọi ponton dạng như phao nổi đang được đấu thầu giữa hai công ty tại Việt Nam, trong đó có công ty ông Trân.
"Tàu mẹ có dạng hình hộp chữ nhật dài 8m, rộng 7m, cao 5m, bên trong có 3 hình chữ nhật nhỏ, 2 hình chữ nhật 2 bên là 2 phao, hình chữ nhật ở giữa là thang máy để 4 tàu ngầm trên đó. Thang máy chạy bằng hệ thống thủy lực, khi hạ thang máy xuống nước 4 chiếc tàu lần lượt chạy ra. Khi 4 tàu chạy về thì cho hệ thống thủy lực kéo lên. Tàu ngầm mini và tàu mẹ là một tổ hợp những sản xuất độc lập" - ông Trân phân tích.
Khuôn mẫu phần đầu của tàu ngầm du lịch mini. 
Theo thiết kế, tàu "Người Cá" nặng 120kg, tốc độ 1-5 hải lý/h (tương đương 8km/h), cao khoảng 1,5m, rộng 0,8m, dài 2m. Vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite có độ bền hơn vỏ thép, vật liệu này giúp tiết kiệm chi phí vì nếu bằng thép thì quá trình chế tạo khuôn đúc phức tạp hơn.

Phiên bản chuyên nghiệp tàu ngầm lặn sâu đến 45m, bán kính hoạt động khoảng 30m, thời gian hoạt động 2 giờ, công suất động cơ 500w. Phiên bản nghiệp dư không có đèn pha sáng dưới nước, còn phiên bản chuyên nghiệp có đèn pha ở dưới nước, tối đa 15m.
Tàu ngầm du lịch mini chở 1-2 người/chiếc. Khi xuống nước, phần từ rốn trở xuống và hai tay lái tàu là dính nước, còn phần từ rốn trở lên là không bị dính nước theo nguyên tắc "ly úp ngược", được bao trùm bởi mũ chụp hình vòm nhựa kính giống phi hành gia, người lái được hít thở bình thường bởi bình khí xả vào vòm khoảng 2 giờ mà không phải đeo hoặc ngậm trực tiếp ống thở vào miệng.
Vấn đề bản quyền tàu ngầm du lịch mini, ông Trân cho biết, đang nhờ một công ty đứng ra lo việc này. “Có thể một vài tuần nữa, nếu chuyện bản quyền hoàn tất, tôi sẽ công bố hình ảnh, thông tin chiếc tàu ngầm du lịch cho dư luận biết” – ông Trân chia sẻ.
Theo VTC