Sau hai thất bại của U23 Việt Nam trước Iraq và UAE, hãy thử một lần nhìn lại câu chuyện của bóng đá Việt Nam từ các HLV trong 5 năm qua.
Năm 2017, HLV Park Hang Seo đến Việt Nam thì xây dựng triết lý phòng ngự phản công và tạo ra sự thành công từ U23 đến đội tuyển Việt Nam. Trong 5 năm, các cầu thủ Việt Nam thấm nhuần lối chơi kỷ luật, đề cao sự chắc chắn trong phòng ngự và phản công sắc bén.
Năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Việt Nam chọn HLV Gong Oh Kyun dẫn U23 Việt Nam. Ông Gong nói làm khác biệt so với HLV Park khi lối chơi có điểm mạnh về khả năng pressing tầm cao. U23 Việt Nam tạo ra tiếng vang với trận hoà trước U23 Hàn Quốc và giành vé vào tứ kết U23 châu Á 2022.
Năm nay, HLV Troussier được Liên đoàn bóng đá Việt Nam bổ nhiệm để dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23. Nhà cầm quân người Pháp tuyên bố làm hoàn toàn khác ông Park.
HLV Philippe Troussier nói: “Đối với tôi, phòng ngự phản công chỉ là một phần của bóng đá. Chúng ta có thể áp dụng chiến thuật này nhưng tuỳ thuộc vào đối thủ, hoàn cảnh trận đấu.
Những trận ở cấp độ châu Á, khi chúng ta đối đầu đối thủ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc thì có thể phỏng đoán chúng ta chỉ có thể kiểm soát bóng từ 30-40% trong thời gian thực tế. Phải có đấu pháp thiên về phòng ngự phản công nhiều hơn. Nhưng đối thủ cùng đẳng cấp, trong Đông Nam Á chẳng hạn, thì đương nhiên chúng ta được đánh giá mạnh hơn, có thể kiểm soát bóng vượt trội hoàn toàn so với đối thủ.
Lúc đó triết lý của tôi muốn đội bóng áp dụng, đó là kiểm soát bóng tốt, có nhịp chơi hợp lý, không nhất thiết lúc nào cũng phải tấn công nhanh mà có thể nhịp bóng nhanh chậm tuỳ hoàn cảnh, làm thế nào không bị mất bóng một cách dễ dàng. Các cầu thủ trong hoàn cảnh đó làm thế nào ra quyết định chơi bóng cho hợp lý và đặc biệt có sự hiệu quả trong 1/3 cuối sân”.
Thêm một trường hợp khác là U20 Việt Nam vừa thi đấu ở U20 châu Á 2023 dưới dự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn. Đây là đội hình có nhiều cầu thủ lên U23 như Văn Khang, Đức Việt, Văn Trường, Quốc Việt, Thanh Nhàn. HLV Hoàng Anh Tuấn làm chiến thuật phòng ngự số đông, phản công nhanh và hầu hết bóng được phất lên phía trên cho các tiền đạo.
Trước HLV Hoàng Anh Tuấn, VFF dùng HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt U23 và U19 (những cầu thủ vừa đá U20). Lối chơi của ông Nam xây dựng khác với HLV Hoàng Anh Tuấn, ví dụ sơ đồ là 4 hậu vệ và có xu hướng tấn công.
Nếu lấy cột mốc từ năm 2019, ông Troussier dẫn dắt lứa U19 (phần lớn làm nòng cốt U23 ở hiện tại), bóng đá Việt Nam có tổng cộng 5 HLV gồm HLV Park Hang Seo, HLV Đinh Thế Nam, HLV Hoàng Anh Tuấn, HLV Gong Oh Kyun và HLV Troussier. Mỗi HLV có một chiến thuật khác nhau, không có một triết lý chung nào cho lứa cầu thủ hiện tại.
Một nền bóng đá không có triết lý thì đồng nghĩa mỗi đời HLV áp dụng một chiến thuật khác nhau, hậu quả là mỗi lần thay HLV thì cầu thủ học vỡ lòng lại từ đầu để thích nghi chiến thuật mới. Điển hình U23 Việt Nam đang học triết lý bóng đá kiểm soát bóng của HLV Troussier. Hậu vệ Phan Tuấn Tài được đánh giá có những pha tạt bóng chất lượng nhưng bây giờ chơi ở vị trí trung vệ lệch trái. Tuấn Tài đá với vai trò mới, lối chơi mới nên thường xuyên chuyền lỗi. Hệ thống phòng ngự của U23 Việt Nam liên tục mắc lỗi khi quen đá phòng ngự phản công, bây giờ đá trong tâm thế chống phản công.
Liệu có trớ trêu khi thua UAE 0-4 nhưng HLV Troussier nói hài lòng vì U23 Việt Nam đang bắt đầu thích nghi tốt chiến thuật, dù tập gần 1 tháng?
Lấy Thái Lan làm ví dụ. Thái Lan đá mọi cấp độ đều có chung một triết lý là kiểm soát bóng và ban bật nhỏ. Lối chơi của các đội tuyển Thái Lan dựa trên nền tảng kỹ thuật và bất cứ cầu thủ nào nhấc lên tuyển Thái Lan cũng dễ dàng hoà nhập. Điển hình Thái Lan không có Chanathip, Supachok, Suphanat, Supachai… thì lối chơi vẫn không thay đổi ở AFF Cup 2022. “Voi chiến” vẫn đá kiểm soát bóng, áp đặt thế trận lên đối thủ và điều quan trọng là giành chức vô địch, dù không phải dừng Thai League cho các cầu thủ ăn tập cả tháng để quen lối chơi của HLV.
Ngược lại, bóng đá Việt Nam có triết lý là gì? Không có một triết lý nào cả. Chúng ta chỉ có triết lý chung là “gặt” thành tích, giao tất cả cho HLV quyết định thành bại. Chúng ta sẵn sàng đưa các cầu thủ giỏi nhất của đội tuyển quốc gia, thậm chí giỏi nhất Đông Nam Á đi đá SEA Games để tranh HCV. Chúng ta không quan trọng việc các cầu thủ tiến xa ra sao ở sân chơi chuyên nghiệp mà dừng V.League để phục vụ U20 và U23. Hiện nhiều đội tuyển của Đông Nam Á đá FIFA Days thì tuyển Việt Nam nhường chỗ cho các đàn em đá giao hữu. Lý do ưu tiên U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 32.
Mỗi HLV áp dụng một lối chơi khác nhau, thường xuyên dừng hệ thống chuyên nghiệp, đưa các cầu thủ giỏi nhất xuống đá sân chơi trẻ để lấy thành tích. Đây có phải là triết lý đúng đắn?
Theo Văn Nhân/Saostar