Từ tấm HCV SEA Games 2019
Năm 2019, U22 Việt Nam giành HCV SEA Games với nòng cốt là những nhà vô địch AFF Cup 2018, gồm Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Thành Chung, Hồ Tấn Tài, Quang Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Trọng Hoàng, Tiến Linh, Hà Đức Chinh. Bất kỳ ai cũng thấy HCV đã nằm trong túi của các cầu thủ Việt Nam, khi trình độ hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại, trong đó Thái Lan không dùng cầu thủ trên 22 tuổi.
Bóng đá Việt Nam có một lứa cầu thủ xuất chúng để giành Á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết ASIAN Cup 2019 (thua Nhật Bản 0-1). Phần lớn có độ tuổi rất trẻ để phát triển sự nghiệp và nâng tầm về chuyên môn. Tức cần một kế hoạch dài hạn để đội tuyển Việt Nam đi vươn tầm châu lục, thay vì chọn đi lùi lấy HCV SEA Games.
Văn Hậu vô địch AFF Cup và xuất ngoại vẫn quay về đá SEA Games 2019.
Lấy ví dụ là câu chuyện của Đoàn Văn Hậu. HLV Park chấp nhận không có Văn Hậu trong cuộc tranh tài với Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, bởi cần tạo điều kiện cho Văn Hậu ký hợp đồng với Heerenveen (Hà Lan). Đây là cột mốc để thấy cầu thủ Việt Nam phát triển về tài năng, đi xa hơn giới hạn khu vực. Thật khó tin là Văn Hậu được đưa trở lại thi đấu cho U22 Việt Nam ở sân chơi SEA Games 2019. Phấn đấu cùng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup để được xuất ngoại, rồi về đá SEA Games, liệu có nghịch lý?
Chuyện những nhà vô địch AFF Cup và Á quân U23 châu Á đi đá SEA Games, cũng giống như có thời điểm thể thao Việt Nam từng đưa kình ngư Ánh Viên dự Đại hội học sinh Đông Nam Á với lý do còn đủ tuổi học sinh, dù "tiểu tiên cá" được đầu tư mạnh để hướng tới châu lục và Olympic. Sự nghiệp của Ánh Viên đã không thể vươn tầm thế giới giống như siêu sao Joseph Schooling (giành HCV Olympic 2016), bởi mỗi kỳ SEA Games thì Ánh Viên đều phải cố gắng lấy hết HCV từ các cự ly ngắn đến cự ly dài. Đây là bệnh thành tích!
SEA Games cách rất xa World Cup
Bóng đá Thái Lan giữ kỷ lục giành HCV SEA Games với 16 lần ở môn bóng đá nam. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam mới tạo ra cột mốc xa nhất ở châu lục với Á quân U23 châu Á 2018 và có chiến thắng đầu tiên ở vòng loại thứ ba World Cup (tuyển Việt Nam thắng Trung Quốc 3-1).
Một câu chuyện khác để thấy thành tích SEA Games không phản ánh đầy đủ sức mạnh của một nền bóng đá. Việt Nam có hai 2 HCV SEA Games môn bóng đá nam trong hai kỳ gần nhất (năm 2019 và 2021) nhưng tuyển Thái Lan vô địch hai kỳ AFF Cup liên tiếp.
Xét về cấp độ trẻ, bóng đá Việt Nam vượt trội hoàn toàn so với Thái Lan trong 6 năm qua, từ U16 đến U23 đều gieo sầu cho người Thái. Nghịch lý là tuyển Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 1 trận thắng giao hữu trước Thái Lan, tính thành tích tại các sân chơi chính thức thì Việt Nam chưa thắng "voi chiến" kể từ trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008.
Bóng đá Việt Nam nói về World Cup thì cần thoát tư tưởng vô địch "ao làng".
Hiện tại, bóng đá Việt Nam đang làm mọi cách cho SEA Games 32. V.League 2023 đã nghỉ 48 ngày để HLV Philippe Troussier rèn quân và đá giải Dubai Cup 2023. Các giải chuyên nghiệp tiếp tục hoãn hơn 1 tháng để U22 Việt Nam dự SEA Games 32 tại Campuchia. Hậu quả là tất cả tuyển thủ và hàng trăm cầu thủ chuyên nghiệp không được thi đấu.
Câu hỏi đặt ra: Nếu dồn toàn lực và hoãn sân chơi chuyên nghiệp cho mục tiêu giành HCV SEA Games 32, liệu bóng đá Việt Nam có gần hơn với vé dự World Cup 2026?
HLV Troussier không hề nói gì về việc phải giành HCV SEA Games để tiến đến World Cup 2026."Chúng ta cần nâng cao tính cạnh tranh và nhịp thi đấu cho nhóm tuyển thủ Việt Nam bằng cách duy trì V.League. Tôi hy vọng trong tương lai, cầu thủ Việt Nam có thể chơi 45-50 trận V.League một mùa và giải quốc nội có thể kéo dài tới 10 tháng.
Thứ hai, tuyển Việt Nam cần có các đối thủ giao hữu mạnh hơn trong top 50, 60 FIFA. Các trận đấu này sẽ giúp cầu thủ trưởng thành nhanh hơn", HLV Troussier nêu ra hai việc cần làm để đến gần World Cup.
Phải chăng VPF, VFF và các CLB chuyên nghiệp cần xem lại có nên hoãn hệ thống chuyên nghiệp vì SEA Games?
Kiến Thức