Chạy đua theo ngành "hot", trường "hot"
Hiện nay, nhiều cha mẹ có xu hướng để con mình tự lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chọn lựa ngành nghề.
Vũ Hoàng Long, học sinh lớp 12 ở quận Cầu Giấy chia sẻ về lựa chọn ngành học của mình: "Em nghe nhiều người bảo học Digital Marketing đang là 'trend' lại dễ tìm việc nên đăng ký đại. Cá nhân em thấy ngành này có môi trường học tập khá năng động. Các anh, chị khóa trước mà em biết cũng khuyên em nên lựa chọn để đăng ký thi. Em hi vọng bản thân sẽ phù hợp với chương trình học tập của chuyên ngành này!".
|
Nhiều bạn trẻ đang lựa chọn ngành, trường theo “trend” |
Xu hướng mà các bạn trẻ hiện đang “đổ xô” vào lựa chọn ngành nghề để học có thể kể đến: Công nghệ thông tin, Digital Marketing, Kĩ thuật ô-tô, Y tế, Kinh tế, Thiết kế đồ hoạ,… Đây là những ngành đáp ứng xu thế của xã hội, song các ngành đó không phải phù hợp với mọi cá nhân. Ngoài ra, nhiều học sinh cũng đăng kí nguyện vọng theo xu hướng mà chưa thực sự ý thức được ngành nghề mình chọn có việc làm sau khi ra trường không.
Một điều dễ nhận thấy hiện nay, không ít người có năng khiếu về nghệ thuật nhưng vì muốn theo học cùng bạn bè mà chọn các trường "nổi bật" về lĩnh vực kinh tế hoặc nghiên cứu; nhiều bạn thích sư phạm nhưng lại thi các trường kế toán, du lịch… Như vậy vừa lãng phí tài năng, vừa dẫn đến tình trạng “vỡ mộng” khi đi học và gây ra căng thẳng, mệt mỏi nếu tiếp tục theo nghề.
Minh Anh hiện đang là sinh viên năm 2, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - 1 trong những trường TOP về kinh tế bên cạnh Đại học Kinh tế Quốc dân hay Học viện Tài chính. Tuy là sinh viên nhưng giờ đây, Minh Anh đang sống trong cảnh thức khuya dậy sớm khi vừa phải đối đầu với kì thi giữa kỳ ở trường, vừa ôn lại kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Minh Anh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em và ba bạn cùng lớp quyết định cùng nhau thi vào trường Kinh tế. Một phần là vì trường cũng là trường được cho là "hot" trong nhiều năm, một phần bọn em cũng muốn học cùng nhau, có thể tiếp tục chơi với nhau, sau này lại còn làm cùng ngành nữa thì rất vui. Tuy nhiên học xong năm đầu tiên em cảm thấy khá áp lực, có phần buồn và chán nản vì đó không phải là ngành học mình yêu thích. Em quyết định năm nay thi lại vào Đại học Y nhưng cũng rất hoang mang vì không biết có đỗ không”.
|
Các bạn học sinh Thủ đô tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh |
Chia sẻ rõ hơn về việc chọn ngành "hot", trường "hot" để thi đại học, em Trần Đăng Khoa (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Nhân Tông) nói: "Theo em thấy việc chọn ngành 'hot' hay trường 'hot' năm nào cũng có. Hầu hết học sinh như chúng em đều muốn vào các trường có cơ sở vật chất cũng như chương trình đào tạo tốt. Chính vì vậy mà nhiều trường thuộc TOP vẫn cứ hot và có nhiều hồ sơ đăng ký thi. Còn đối với ngành 'hot' thì em nghĩ đó là xu hướng xã hội. Đó cũng là tâm lý, nghe đến Kinh tế, Luật, Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ thông tin thì mọi người rất thích vì nó khá to tát và…'oách'. Bọn em cũng không thể đánh giá được sau khi ra trường có dễ dàng xin việc hay không vì phụ thuộc nhiều yếu tố, tuy nhiên đặt so sánh với các ngành ra có việc làm luôn thì đúng là bọn em đang 'đặt cược'."
Có thể nói, thật đáng lo ngại hơn bởi tâm lý “người sao, mình vậy” đang biến giới trẻ thành một thế hệ “ai cũng như ai”, mọi cá tính và bản sắc riêng đều bị hạn chế, không có cơ hội phát triển. Việc giấu cảm xúc, giấu sở thích, giấu cả lựa chọn tương lai để “hùa” theo đám đông khiến nhiều bạn trẻ mất đi những cơ hội lớn và không còn là chính mình. Tốt hơn, các bạn trẻ cần chọn cho mình một ngành nghề đúng với mong ước, năng lực, sở trường của bản thân để có thể học tập và sống với đam mê.
Tự đặt ra định hướng, mục tiêu cho bản thân
Đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin ngay khi trường thông báo nhận hồ sơ, em Minh Vũ, học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long cho biết: "Ba mẹ cho em tự chọn ngành học. Em đã tìm hiểu kỹ về ngành Công nghệ thông tin, em cũng được thầy cô giải đáp những thắc mắc tại buổi tư vấn tuyển sinh nên em đăng ký nguyện vọng theo ngành học này.".
Câu chuyện của bạn Đức Anh, cựu sinh ngành Công nghệ thực phẩm chính là một minh chứng cho sự quyết tâm theo đuổi đam mê và sở thích.
"Cả bố mẹ đều muốn mình thi vào ngành Kinh tế để sau này cả nhà cùng làm trong khối nhà nước nhưng mình không thích và nhất quyết chọn gắn bó với những công thức chế biến, những buổi học làm bánh mì, lên men thực phẩm... Giờ thì mình đã mở được cửa hàng bánh mì đắt khách, bố mẹ tôi vui lắm, còn muốn đầu tư vốn để mình mở thêm chi nhánh".
Bạn Nguyễn Diệu Linh, học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Biết bản thân yếu các môn khối tự nhiên nên từ khi học cấp 2, em đã lựa chọn học ban xã hội. Tuy nhiên, với khối xã hội khá khó để chọn ngành nghề, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa phù hợp với xu hướng xã hội. Bố mẹ đã cho em rất nhiều lời khuyên, gia đình không có người làm trong ngành luật hoặc cơ quan nhà nước, khá khó để em có thể chia sẻ những va vấp trong công việc tương lai. Sau thời gian suy nghĩ, em quyết định theo ngành báo chí, truyền thông. Ban đầu bố mẹ em phản đối rất nhiều, vì cho rằng đây là ngành không phù hợp với phái nữ, vất vả, cần đi lại nhiều, luôn tiếp xúc với mặt “tiêu cực” của xã hội. Em đã mất rất nhiều thời gian để giải thích cho bố mẹ hiểu ngành báo chí truyền thông hiện tại rất rộng mở, không chỉ gói gọn là phóng viên chuyên đi săn tin, bài như trước. Thêm vào đó, trong thời gian học đại học, chỉ cần trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, tương lai xin việc sẽ dễ dàng hơn. Thật may bố mẹ đã hiểu và ủng hộ lựa chọn của em".
Trong thời đại công nghệ số, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, một số ngành nghề mới đang vươn lên và được xem là xu hướng mới, mang lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lựa chọn. Những ngành nghề từng “hot” vì mang tính ổn định như sư phạm, ngân hàng, quản trị kinh doanh… đã giảm nhiệt. Trong mùa tuyển sinh năm nay, xuất hiện nhiều ngành học mới là Logistic, Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế đồ họa, Phần mềm, Digital Marketing (quảng cáo thương hiệu đa nền tảng) được giới trẻ ưa chuộng. Môi trường làm việc cũng linh hoạt hơn, nhất là khi đại dịch xảy ra, nhiều người có xu hướng tìm kiếm ngành nghề, công việc có thể làm việc từ xa thay vì đến công ty.
Câu chuyện chọn nghề, chọn trường luôn là vấn đề nóng trước mỗi mùa tuyển sinh. Ngoài việc nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp trước những biến động xã hội, đòi hỏi các bạn trẻ cần đầu tư nhiều kỹ năng, nhiệt huyết, tránh chạy theo thị hiếu. Quan trọng nhất là phải xác định được sở thích, năng lực của mình, dựa trên tư vấn của gia đình, nhà trường để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp.
Ngành học thì vô cùng phong phú, chọn ngành, nghề nào để không bị thất nghiệp sau khi ra trường thì quả là câu hỏi khó trong thời buổi hiện nay. Việc chạy theo ngành ‘hot’ đem lại nhiều rủi ro bởi ngành được coi là ‘hot’ hôm nay có thể sẽ hết ‘hot’ trong 3 - 5 năm tới vì xu hướng việc làm luôn biến đổi theo từng giai đoạn và theo nhu cầu xã hội. Điều quan trọng nhất hiện tại có lẽ đó chính công tác tư vấn tuyển sinh chọn ngành, nghề cho học sinh cần được triển khai rộng khắp để các em có thể có cái nhìn bao quát về tình hình và nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu thế việc làm hiện nay là gì để có phương án chọn lựa phù hợp.
Theo Vũ Anh/Tuổi Trẻ Thủ đô