Nguyễn Hoàng Khánh – chàng trai “vàng” của trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh, là học sinh đầu tiên đem cầu truyền hình cũng như vòng nguyệt quế vinh quang về cho ngôi trường mang bề dày lịch sử.
Xuyên suốt chặng đường chinh phục đỉnh núi Olympia, Hoàng Khánh luôn là gương mặt nổi trội với hàng loạt thành tích ấn tượng: được mệnh danh là “thánh cướp điểm”, giữ vững ngôi đầu từ phần thi đầu đến phần thi cuối trong cuộc thi chung kết, chỉ thiếu 5 điểm nữa là phá kỷ lục điểm số cao nhất vòng thi quý của “Đường lên đỉnh Olympia”.
Trong ấn tượng của khán giả, Khánh là một nhà leo núi nhanh nhạy, quyết đoán và luôn chính xác.
Khánh từng tâm sự, cậu bạn là người thích sự bình lặng, không muốn gây ồn ào. Khi đăng quang ngôi vị cao nhất của “Đường lên đỉnh Olympia”, chàng trai Quảng Ninh bất đắc dĩ trở thành tâm điểm chú ý, bị “soi mói” không ít về gia thế và một vài hành động.
Khánh từng phải thốt lên: “Hoá ra chung kết lại không phải trận đấu khó khăn nhất”.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hoàng Khánh, nghe cậu bạn chia sẻ nhiều hơn về chuỗi ngày sau khi giành vòng nguyệt quế Olympia 2021.
- Trở về từ cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” với ngôi vị quán quân, cuộc sống của Hoàng Khánh thay đổi ra sao?
- Cảm xúc của mình vẫn như bình thường và mình vẫn tập trung đặt ra các mục tiêu mới cho bản thân. Những mục tiêu gồm mục tiêu xa trong tương lai như công việc và sự nghiệp và mục tiêu “mềm” như việc phát triển toàn diện bản thân mỗi ngày.
- Với danh hiệu quán quân Olympia, mỗi ngày đến trường của Khánh có nhiều khác biệt không? Bạn có trở thành tâm điểm chú ý mà bạn bè và thầy cô sẽ nhắc đến rất nhiều cho các tiết học?
- Mình không cảm thấy có nhiều sự khác biệt từ sau cuộc thi Quý. Mình cảm thấy khá là may mắn vì thầy cô và bạn bè ở trường đều hoà đồng và quan tâm, giúp đỡ. Nhiều lúc được các em lớp dưới nhận ra và chào hỏi, mình khá là vui.
- Là nhà vô địch của một sân chơi trí tuệ nổi tiếng như vậy có khiến Khánh áp lực? Áp lực mình phải giỏi, phải nổi bật…
- Than đá chịu áp lực mới thành kim cương. Mình coi việc chịu áp lực là một đặc ân để có thêm nhiều động lực rèn luyện và phát triển bản thân.
Tấm gương của mình là tỉ phú Elon Musk, người từng chia sẻ vào năm 2015 rằng chỉ từng nghỉ 2 tuần trong suốt 12 năm gắn bó với các công ty của mình. Và hiện tại Elon đang là tỉ phú giàu nhất thế giới.
- Sau khi đăng quang, Khánh gặp khá nhiều rắc rối từ mạng xã hội khi cuộc sống cá nhân và gia đình bị đem ra bàn tán… Tâm trạng của Khánh khi ấy thế nào? Cuộc sống của bạn có bị xáo trộn?
- Thú thực, mình không gặp rắc rối gì. Với mình, những rắc rối và áp lực sau cuộc thi là quá nhỏ so với những điều tích cực mình đã nhận được.
- Khánh là con trai cả trong một gia đình bề dày tri thức. Cách dạy dỗ của bố mẹ có ảnh hưởng thế nào đến tính cách và hướng đi của bạn?
- Bố mẹ luôn là cố vấn tin cậy cho mọi quyết định của mình. Từ việc quan sát và học hỏi từ bố mẹ, mình thấy bản thân chững chạc hơn khá nhiều.
Ngày trước bố mẹ mình có nói: “Đủ 18 tuổi lên đại học bố mẹ sẽ đá ra khỏi nhà” (cười). Chắc bố mẹ mình không có ý gây áp lực đâu, nhưng câu nói này luôn nhắc nhở mình phải cố gắng từng giờ từng phút để thành công, chứ mình sợ cảnh 18 tuổi lang thang bên ngoài, không biết ngủ ở đâu (cười).
- Sau cuộc thi, Khánh vẫn giữ liên lạc với các bạn chứ? Trong ngôi nhà Olympia, Khánh thân thiết nhất với ai?
- Giai đoạn này mình đang nộp hồ sơ đi các trường đại học nên mình vẫn tích cực làm phiền “siêu nhân” Hải An (thí sinh nhất quý III, Đường lên đỉnh Olympia 2021”.
Đằng sau sân khấu khán giả không thấy được những sự cố gắng mà mình phải thú nhận là không nhiều người dám đánh đổi của An. Có lẽ đó là lí do vì sao Hải An có một bộ sưu tập các giải thưởng từ quốc gia đến quốc tế.
Mình bật mí một chút đó là, hiện tải Hải An đã được nhiều trường quốc tế mời nhập học với mức hỗ trợ tài chính vài tỉ đồng. Mong rằng Hải An sẽ giữ gìn sức khoẻ và tiếp tục theo đuổi đam mê bạn đã chọn.
- Khánh từng gây xôn xao với tuyên bố “chưa chắc sẽ đi du học”, “không đi du học”… Lý do nào khiến bạn có lựa chọn khác biệt với hầu hết các quán quân như vậy?
- Mong muốn của mình vẫn là được học tập tại các chân trời mới, nơi có nền giáo dục được trang bị tốt nhất. Còn việc đi du học hay không là một việc cần phải cân nhắc kĩ càng. Mình nghĩ, chọn học trường đại học nào còn quan trọng hơn cả chọn vợ (cười).
- Nhiều năm nay, người ta vẫn không ngừng nói: “Olympia là cuộc thi tìm nhân tài cho nước Úc” và việc các quán quân không về nước làm việc bị chỉ trích rất nhiều. Quan điểm của Hoàng Khánh về vấn đề này thế nào?
- Mọi người quên rằng, quán quân đầu tiên của chương trình còn chưa bước sang tuổi 38. Ở độ tuổi này, nhiều người vẫn đang chọn việc tu dưỡng trình độ và kinh nghiệm cho bản thân.
Buồn cười là nhiều người thành công tại nước ngoài, có khi cả đời họ chưa đặt chân đến Việt Nam, họ được gọi là người gốc Việt. Còn quán quân Olympia cũng vậy, ngay sau trận chung kết đều bị gọi là người Úc, mặc dù cũng chưa đặt chân tới Úc.
Bản thân mình, mình tự nhận bản thân là người có sự tự tôn dân tộc cao, nên mình muốn sau này được góp chút sức lực nhỏ của cho đất nước.
Quan điểm của mình thì chỉ gói gọn trong một câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sông chảy đời sông, suối trôi đời suối”, việc lựa chọn cuộc sống là quyền của mỗi người, việc của mình là sống cho đúng với quan niệm của bản thân.
Những người thực sự đang cống hiến cho đất nước, mình không nghĩ họ có nhiều thời gian lên mạng chỉ trích quán quân Olympia đâu.
- Khánh sẽ theo học ngành nào và nghề nào trong tương lai?
- Mình sẽ học ngành Kinh tế hoặc Quản trị.
- Khánh từng chia sẻ, một trong những mục tiêu giành vòng nguyệt quế Olympia 2021 là có tiền đóng quỹ lớp. Bạn đã hoàn thành mục tiêu này chưa?
- Mình vẫn chưa (Cười).
Theo Hạ Nhiên/Dân Việt