Hiện tượng xuống cấp đạo đức rất đáng báo động vẫn xảy ra thường xuyên, càng ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp con cái bạc đãi bố mẹ, học trò viết status chửi cô giáo, thầy giáo tát học trò, bố lạm dụng con gái... Hầu hết những hiện tượng trên đều hứng chịu búa rìu của dư luận và bị lên án nghiêm khắc. Tuy nhiên, mới đây clip hai cô gái đánh chửi bố đẻ mình thậm tệ lại nhận được hai luồng ý kiến trái chiều, có cả phê phán lẫn bênh vực, cảm thông.
Clip hai cô con gái đánh chửi bố đẻ bất chấp hàng xóm can ngăn:
Ngay đoạn đầu của clip người xem đã rất bất bình khi hai cô gái trẻ vừa chửi vừa lao vào đánh, đuổi bố đẻ mình. Những người chứng kiến lên tiếng can ngăn “Hai đứa kia, hai đứa sao lại đánh bố thế?”, “Sao lại cứ chửi bố thế?”.
Lúc này, cô con gái lớn hơn trong clip mới nói với sự giận dữ để giải thích nguyên nhân tại sao đánh đuổi và chửi bố mình. Cô nói rằng mười mấy năm nay bố không kiếm được đồng nào, không nuôi cô một ngày nào, lại lấy đồ của nhà đi, đánh chửi mẹ, không ngó ngàng gì đến gia đình, vợ con. Cô gái thậm chí còn xưng hô “mày-tao” với bố đẻ, gọi bố là "nó".
|
Hai cô con gái nặng lời nhiếc móc bố mình, thậm chí còn lao vào đánh, xô đẩy. |
Khi người bố gặp sự phản ứng dữ dội của hai cô con gái đã buông lời dọa dẫm sẽ quay lại nói chuyện với mẹ. Cô gái không sợ hãi mà còn tố cáo “Đến mẹ đẻ nó còn không nhận”, “Còn cái loại mày, anh em nó cũng *** nhận bao nhiêu năm nay rồi”.
Theo lời cô, bố thường xuyên đánh chửi mẹ và về nhà chỉ để lấy tiền đi chơi, người ngoài sẽ không thể hiểu cô, em gái và mẹ đã phải chịu những gì nên không được can thiệp. Và dù đã chửi bới, đánh đuổi bố đẻ mình, cô vẫn nhận mình là người ăn học tử tế.
|
Cô con gái lớn kể tội bố mình cho những người hàng xóm chứng kiến sự việc. |
Sau khi đoạn clip được tải lên mạng, hành động của hai cô gái đã phải hứng chịu nhiều “gạch đá” của dư luận, gây nên sự tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Rất nhiều ý kiến cho rằng hai cô con gái “mất dạy”, bất hiếu và bày tỏ sự phẫn nộ với hành động đánh chửi bố đẻ của hai cô gái. Tuy nhiên cũng có không ít nhận xét thông cảm với hai cô gái và đặt dấu hỏi trước trách nhiệm giáo dưỡng của các bậc làm cha mẹ.
Nickname Phạm Nhàn viết: “Bố mẹ là người sinh ra mình dù có như thế nào cũng không được nói bố như thế. Người muốn được gọi bố thì không được. Buồn cho thể loại não ngắn. Ắt sẽ có hậu quả thôi mà”.
“Còn con mình sau này nữa, đối xử với bố mẹ mình như nào thì sau này con nó sẽ đối xử lại như thế. Vô học thế này sống chỉ tổ chật đất thôi”, bạn Nga Bống bình luận.
“Mình chưa biết ngọn nguồn câu chuyện như thế nào nhưng mà cách xử sự của 2 bạn này thật đáng trách. Tại sao không tìm cách nói chuyện rõ ràng với người đàn ông là bố kia chứ, chửi bới, la hét được gì chứ, càng bị khinh bỉ thêm”, nhận xét của bạn Nguyễn Thủy trên Facebook.
|
Những bình luận ném đá hành động đánh chửi bố của hai cô gái. |
Bên cạnh đó là những chia sẻ thông cảm với hoàn cảnh của hai cô gái. Bạn Linh Nguyễn nói: "Những ai có một người bố như vậy thì mới hiểu đúng được hành động của hai em này. Người ta bảo công sinh thành nhưng nếu chỉ sinh mà không dưỡng thì những đứa trẻ đó sẽ lớn lên như thế nào? Nếu có một người bố chỉ biết sinh ra con mà không biết nuôi và dạy con liệu có nên gọi bằng bố không? Bố như vậy có thực sự có công sinh thành không hay chỉ là một phút thỏa mãn dục vọng mà sinh ra những đứa trẻ. Đấy là chưa nói đến chuyện về nhà lấy tiền lấy đồ và đánh mẹ của mình. Liệu có mấy ai có thể tha thứ và gọi một từ bố cho đầy đủ tình yêu thương và sự kính trọng?".
Cùng quan điểm trên, nickname Trường Phạm chia sẻ: "Cũng khó trách được hai em này, chẳng thà bố bị điên bị khùng thật sự thì mọi người vẫn quan tâm và chăm sóc vì bố là bố, nhưng bố còn tỉnh quá mà không nuôi nấng và chăm sóc con cái nên người...còn kéo cuộc sống của gia đình đi xuống thì không thể chấp nhận được. Phản ứng gay gắt vậy cũng có nguyên nhân của nó, muốn trách hay xem xét điều gì cũng phải nhìn nhận lại vấn đề rồi hãy nhận xét."
|
Những bình luận thông cảm và bênh vực cho hành động của hai cô gái. |
Thực hư mọi chuyện còn chưa rõ ràng, song cũng đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết của một nền tảng gia đình vững chắc cho sự trưởng thành nhân cách của mỗi người.
Đinh Ngân