Chiều 30/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: QH. |
Làm sao có được miền quê đáng sống ai đi xa cũng muốn về?
Tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTT&DL không phải là cơ quan chủ trì 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã đề cập tới vấn đề văn hóa khi triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia.
Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nếu thực hiện được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đúng với sự chỉ đạo chung và thông qua công tác giám sát để phát hiện các điểm nghẽn.
Từ đó, sẽ đạt được hiệu quả rất lớn, đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Rút ngắn được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn và quan trọng nhất là xây dựng được sự phát triển hài hòa mà ở đó người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu việt.
Nếu nhìn ở góc độ này, không chỉ ở Việt Nam mà ở những quốc gia khác cũng có những chương trình và phần việc tương tự, họ gọi đó là "chương trình hạnh phúc".
"Nếu không có các chương trình về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững thì làm sao chúng ta tiếp cận và hoàn thành được mục tiêu thiên niên kỷ theo cam kết với Liên hợp quốc? Làm sao chúng ta có được những miền quê đáng sống và để rồi mọi người dân đi xa cũng muốn về? Làm sao chúng ta thấy được đời sống của nhân dân đang cải thiện?", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu tiếp cận ở góc độ văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn làm cho con người cảm thấy những “hồn quê” của người Việt đã dần biến mất, thay vào đó là những tấm bê-tông… Theo phân cấp, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định về vấn đề quy hoạch, xây dựng và chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó.
"Hình ảnh của cây đa, bến nước, sân đình, của lũy tre xanh của làng tôi sẽ không còn nữa và thay vào đó là bê tông hóa, cả một bức tường", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Theo phân công quản lý, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó.
Vừa qua, rất mừng khi trong quá trình này, chúng ta kịp thời nhận ra nên đã thay thế và điều tiết, và bây giờ các "đường hoa" đã xuất hiện bên cạnh đường bê tông cứng hoá, bắt đầu có những hàng trúc, hàng cau làm đẹp hơn quang cảnh nông thôn và dần dần lấy lại hình ảnh hồn quê của người Việt.
Ở góc độ khác, chúng ta đang tiếp cận để xây dựng thiết chế văn hoá, có đại biểu băn khoăn nói rằng tại sao phải xây dựng thiết chế? Theo quy định hiện hành, chúng ta phải đảm bảo thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thôn.
Ở cấp tỉnh phải đảm bảo 3 thiết chế văn hóa là trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và thể thao nhưng rõ ràng đến giờ này, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố thì mới chỉ 80% các tỉnh có được các thiết chế cơ bản này, cấp huyện chỉ được 70%, cấp xã chỉ được 60 – 70%, còn cấp thôn bản chỉ đạt 30 – 40 %.
Ông Hùng ủng hộ việc nên tiếp tục đầu tư cho nông thôn, tuy nhiên, vấn đề là chúng ta chọn địa điểm ở đâu, làm như thế nào, để đi vào hoạt động. Về việc này, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể, còn vận hành như thế nào thì phải ở địa phương và đơn vị.
Giải pháp khắc phục tình trạng đạo đức xuống cấp
Cũng theo ông Hùng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 06 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thực hiện dự án này, thời gian qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc.
|
Các đại biểu tại phiên thảo luận. |
Đề cập về bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc, Bộ trưởng cho biết trước hết phải dựa trên tiêu chí là ngôn ngữ, chữ viết. Về việc này, Chính phủ đã có Nghị định 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VHTTDL thời gian qua đã rất nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao.
Về trang phục, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, Bộ VHTTDL cũng đã hướng đến việc hình thành các câu lạc bộ để bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thông qua loại hình này.
Vấn đề tiếp theo đó là kiến trúc, ông Hùng cho rằng, chúng ta đã tập trung bảo tồn về vấn đề nhà ở của đồng bào các dân tộc với mục tiêu phải làm sao để giữ được nhà sàn, nhà rông… chứ không phải bê tông hóa tất cả khi xây dựng các chương trình mục tiêu.
Về vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà đại biểu đã đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đại biểu đặt vấn đề đó là đúng. Nghị quyết của Đảng đã đề cập đến vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đạo đức xã hội là hình thái ý thức xã hội, nó tập hợp các bộ quy tắc để giúp con người định hướng đến giá trị tốt đẹp nhất đó là trung thực, lòng nhân ái, công bằng tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta đã có cơ sở chính trị trong vấn đề này như: Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới..
Chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này cũng đã đầy đủ khi Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, chiến lược về Văn hóa.
Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa ý thức, văn hóa con người hiện nay, Bộ trưởng VHTT&DL mong muốn đại biểu lan tỏa thông điệp để nhân dân sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, gắn bó giữa gia đình nhà trường và xã hội.
"Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành, thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói về việc lấy phiếu tín nhiệm:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan