Chiều 30/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: QH. |
Phát biểu tranh luân tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến nội dung đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2022- 2023. Theo đại biểu Trí, đây là nội dung rất nên cân nhắc, bởi phiên thảo luận hôm nay là để bàn làm sao hoàn thành cho tốt, cho xong.
“Cùng lắm giải ngân vốn chỉ nên kéo dài đến hết quý I năm 2024, nếu qua thời gian này vẫn chưa hoàn thành thì sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ, vốn đó chuyển cho nội dung khác, thậm chí là cho dự án khác”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.
Người dân nghèo đang mong đợi Chương trình tiếp tục được thực hiện
Giơ biển tranh luận với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) bày tỏ không đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí vừa phát biểu…
|
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam). Ảnh: QH. |
ĐBQH Dương Văn Phước cho biết, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai chậm tới 2 năm, tới năm 2022 mới triển khai. Đây là 3 chương trình rất quan trọng, đại đa số người dân, nhất là người dân nghèo đang mong đợi Chương trình này được tiếp tục triển khai thực hiện, thời gian giải ngân vốn ngân sách được thực hiện đến hết tháng 12/2024.
Đại biểu cho biết, mục tiêu 3 chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới người dân, nhất là người dân sống ở khu vực kinh tế đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, nông thôn… Nhưng qua 3 năm triển khai, kết quả giảm nghèo vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Đời sống người dân ở khu vực trên còn vô cùng khó khăn, khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực, địa phương còn lớn.
“Hình ảnh cháu bé phản ảnh mỗi tuần mang 2 cân gạo nên cháu chỉ ăn ít thôi thật đau lòng. Điều đó đáng để chúng ta trăn trở. Tại sao chúng ta có tiền, có quyền tạo ra cơ chế, chính sách, sao lại triển khai, thực hiện khó đến thế?”, đại biểu Dương Văn Phước nêu câu hỏi.
Đại biểu Phước cho rằng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương và từng địa phương phải hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn nữa, để giải quyết được những bất cập, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia để chủ trương tốt đẹp này được đến với người dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ.
Không đồng tình do chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân
Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Đỗ Thị Lan, (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, bà không đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn anh Trí vì việc chậm giải ngân vốn năm 2022, 2023 có một số nguyên nhân.
|
Đại biểu Đỗ Thị Lan, (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) |
Thứ nhất, do việc phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương còn chậm, phương thức phân bổ vốn còn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn, lại có chương trình giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động của địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép nguồn lực, tích hợp chính sách, phân bổ ngân sách trung ương cho một số lĩnh vực chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm yêu cầu phải lập danh mục dự án, phân bổ vốn đến từng dự án thành phần, điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, nếu không thống nhất thì phải điều chỉnh lại các chương trình, dự án, kế hoạch, làm kéo dài thời gian. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn đang vướng mắc, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, việc sửa đổi các văn bản bất cập cũng mất nhiều thời gian, dẫn đến việc thực hiện chính sách có độ trễ, việc phân cấp, trao thẩm quyền cho địa phương gắn với một số văn bản chưa rõ ràng, dẫn tới lúng túng và thời gian thực hiện còn chậm.
Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều giải ngân chậm
Trước đó, sáng cùng ngày, Báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó trưởng đoàn giám sát, cho biếtCả 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều chậm trong phân bổ, giải ngân vốn và được đoàn giám sát Quốc hội đánh giá là khó đạt mục tiêu.
Một trong những nguyên nhân, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc là do năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
"Có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ".
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói về việc lấy phiếu tín nhiệm. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan