Bị huyết áp cao gây tai biến liệt nửa người khiến ông Tạ Công Đạt, nhà số 4, ngách 110/1 đường Nguyễn Hoàng Tôn, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội không đi lại được. Tuy nhiên, sau điều trị cùng việc kiên trì tập luyện tâm năng dưỡng sinh - phục hồi sức khoẻ (TNDS-PHSK) kết hợp với đạp xe và đi bộ không chỉ giúp ông phục hồi sức khoẻ mà còn khỏi nhiều bệnh mạn tính.
Ngủ dậy tai biến liệt nửa người
Với giọng nói to khoẻ, nụ cười sảng khoái, ông Tạ Công Đạt, sinh năm 1949 chân tình: "Mình thấy rất mừng vì sức khoẻ phục hồi nhanh và tốt như vậy. Sau tai biến rất lo phải nằm một chỗ nhưng giờ lại có thể tung tăng đạp xe đi chơi, đi họp khắp nơi được rồi. Sức khoẻ phục hồi ngoài việc điều trị thì việc lựa chọn phương pháp tập luyện đúng và kiên trì thực hiện sẽ mang lại sức khoẻ tốt".
Ông Đạt kể, ông bị huyết áp cao tuổi già nhưng ở mức không cao lắm: 130 - 145/ 90 - 95mmHg, ăn ngủ và sức khoẻ tốt nên chủ quan không uống thuốc đều đặn. Tháng 12/2013, trong khi ông vẫn đang khoẻ mạnh bình thường, sáng ngủ dậy định vệ sinh cá nhân rồi đi thể dục thì thấy người rạo rực khó chịu, chống tay xuống giường không được, ông ngã vật ra giường.
Người nhà đưa ông đi cấp cứu và được chẩn đoán tai biến mạch máu não do tăng huyết áp 184/110mmHg. 15 ngày được điều trị tại bệnh viện bằng thuốc, vật lý trị liệu, oxy cao áp... về nhà ông vẫn liệt toàn bộ người bên phải, không đi lại được, chân tay khó cử động, mọi cử động, sinh hoạt phải có người giúp đỡ nên rất buồn. Khi ông ngồi dậy được, vợ ông đã hướng dẫn và hỗ trợ cho ông tập TNDS-PHSK.
|
Kiên trì tập luyện tâm năng dưỡng sinh, ông Đạt thấy hiệu quả rõ rệt trong chữa bệnh và phục hồi sức khoẻ. |
Khỏi tai biến 90% và đẩy lùi nhiều bệnh mạn tính
Ông Đạt cười, trước đây ông vẫn đi bộ và đạp xe đều đặn hằng ngày thấy rất tốt cho sức khoẻ nhưng khi kiên trì tập luyện TNDS-PHSK thì ông thấy nó có hiệu quả rõ rệt trong chữa bệnh và phục hồi sức khoẻ. Ông kể, khi được vợ hướng dẫn tập luyện tại nhà ông thấy trong người dễ chịu, đầu óc thoải mái và có chuyển biến về các cử động chân, tay. Sau 2 tháng kiên trì, ông đã tập đi lại được và vợ ông đưa đến lớp học TNDS-PHSK. Sau 7 tuần luyện tập và được các hướng dẫn viên hỗ trợ truyền năng lượng, ông thấy bệnh có chuyển biến rõ rệt và xin học thêm 7 tuần nữa. Sau 14 tuần học tại lớp và luyện tập tại nhà, bệnh của ông đã chuyển biến 70%, từ đó đến nay ông vẫn tập đều đặn ngày 2 buổi, mỗi buổi 90 phút kết hợp với đạp xe 40 phút và đi bộ 20 phút.
Ông Đạt cho biết, tập TNDS-PHSK hay còn gọi là thiền tâm năng, không chỉ ngồi thiền mà có rất nhiều các động tác khác nhau. Sau khi được hướng dẫn viên khai thông các cửa hút để thu năng lượng, người tập ngồi kiểu thiền, xoa vuốt trước khi tập, hít thở thanh lọc khí, quán tưởng, tĩnh tâm vô thức thu năng lượng, thông xung giải bệnh, sau đó lại xoa vuốt... Việc tập luyện, đặc biệt là ngồi thiền rất khó gây đau mỏi đó là chưa kể phải vô thức không nghĩ ngợi gì. Môn tập cũng đòi hỏi người tập rất khắt khe, ngoài tập luyện đúng, đủ, đều mỗi ngày từ 90 - 120 phút, còn buộc người tập phải sống thiện, làm thiện... nhưng cố gắng và kiên trì từ 10 - 15 phút dần dần ông cũng ngồi được 90 phút.
Ông Đạt khoe, “Ngoài việc sống vui vẻ, sinh hoạt đúng giờ giấc, uống thuốc đều đặn, tập luyện đã khiến tôi có một sức khoẻ rất tốt, các chỉ số xét nghiệm trong đợt kiểm tra sức khoẻ mới đây cho thấy: Huyết áp 120/80mmHg, mỡ máu 4,2mmol/l, các chỉ số đều ở mức bình thường, đến nay tôi đi lại gần như bình thường, đi xe đạp được, viết được, bệnh đã khỏi đến 90%. Đặc biệt, trước đây tôi còn bị thoái hóa cột sống cổ, đau tê buốt tay trái, hằng năm phải uống thuốc nhưng chỉ đỡ, nhưng nhờ tập đến nay 1 năm không thấy đau nữa. Bệnh ngứa dị ứng thời tiết mỗi khi trời nóng là mẩm đỏ khắp người rất khó chịu, nhưng hè vừa rồi cũng không còn bị ngứa nữa...”.
Tập TNDS-PHSK thực chất là ngồi thiền. Khi nhập thiền sâu ở trạng thái vô thức, trạng thái huyền ảo nửa thức, nửa ngủ, lúc đó tuần hoàn ổn định ở mức các chỉ số giảm so với lúc nghỉ, hô hấp giảm với giảm tiêu thụ oxy, có tác động sâu sắc tới toàn bộ cơ thể, giúp cân bằng khí huyết, cân bằng giữa tuần hoàn, hô hấp và hệ thần kinh... Đặc biệt, khi thiền sự tương tác giữa hệ thần kinh động vật và hệ thần kinh thực vật là trung khu hô hấp (điều hòa nhịp thở), từ đó tác động lên trung khu vận mạnh, làm giãn nở một bộ phận cơ thể. Vì vậy, nó không chỉ có tác dụng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, tránh mệt mỏi trong lao động, tránh các cơn nhức đầu không nguyên cơ, chống mất ngủ... và đặc biệt trong một số bệnh chức năng như tim mạch, cao huyết áp... mà không rõ nguyên cơ thì thiền giúp tim nghỉ ngơi không phải gắng sức nên điều chỉnh được hệ thần kinh tim và huyết áp. Tuy nhiên, đây không phải là phương thuốc để điều trị bệnh mà chỉ là phương pháp tập luyện để nâng cao sức khoẻ, giảm dần lượng thuốc...".
GS.TS Nguyễn Ngọc Kha (chuyên gia nghiên cứu về thiền, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hồng Hà)
Thúy Nga